/ 51
667

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 4)

Hôm qua giảng đến chỗ Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành. Trong mười thứ quang minh vân này, chúng ta giảng đến loại thứ năm là “Đại tam muội quang minh vân”. Bây giờ chúng ta bắt đầu xem từ loại thứ sáu là “Đại kiết tường quang minh vân” (Tạm dịch: Vầng mây sáng đại kiết tường).

Thứ sáu:

 “ĐẠI KIẾT TƯỜNG QUANG MINH VÂN”.

Kiết tường” là một từ thông dụng dùng để chúc tụng, hỏi thăm vào thời xưa ở Trung Quốc. Sao gọi là kiết tường? Cổ đức nói đây là từ nghĩa lợi. Nghĩa là nói những gì chúng ta đáng phải có đều có thể có được một cách viên mãn, đây là kiết tường. Cái không nên có mà bạn có được thì đó chính là tai họa, cho nên nói đó là bất nghĩa. Bất nghĩa, chúng ta lấy của cải để làm ví dụ, của bất nghĩa chính là phạm giới trộm cắp ở trong Phật pháp, là bạn không nên có, bất kể bạn dùng thủ đoạn gì để đạt được thì tội lỗi này đều rất nặng. Cho nên kiết tường là những gì đáng phải có thì bạn đều có thể có được viên mãn, đây là cái lợi có nghĩa. Nghĩa tức là đáng phải được. Câu này là nói rất rõ ràng, đây là đức của cái lợi có nghĩa.

Đại Bồ Đề, đại Niết Bàn ở trong Phật pháp là cái chúng ta đáng phải có được. Trí tuệ, đức năng vốn có trong tự tánh là cái chúng ta đáng phải có được, không có khác gì so với trí tuệ, công đức trong quả địa chư Phật. Chúng ta hiểu được ý nghĩa này. Chúng ta là lấy phàm phu để bàn luận. Tánh đức của chúng ta chưa có khai mở, ở thế gian này có thể nói là không chỉ là đời này, mà đời đời kiếp kiếp phước báo của chúng ta đều là do tu mà có, không phải xứng tánh. Kiến tánh rồi thì trí tuệ, phước báo trong tự tánh của bạn mới có thể hiện tiền, phước báo đó mới chân thật, giống như dòng suối tuôn ra vậy, lấy hoài không hết, dùng mãi không cạn, đó là phước báo xứng tánh. Khi chưa kiến tánh, thì phước báo này là do tu mới có. Phước do tu thì có thể dùng hết. Chỗ này chúng tôi nêu một ví dụ để mọi người dễ hiểu. Tánh đức, ví như bản thân bạn có gia tài, có gia nghiệp, trong nhà bạn có mỏ vàng. Số lượng vàng chứa trong mỏ vàng nhiều vô cùng, bạn đời đời kiếp kiếp cũng dùng không hết, nhưng hiện nay mỏ vàng này bị đất đá vùi lấp, chưa có khai thác, bạn không có một xu nào cả. Bạn muốn có cơm ăn phải đi làm thuê, bạn kiếm một chút tiền để sống tạm qua ngày, tuy trong nhà bạn có tài sản ức vạn mà bạn không thể sử dụng được. Bát nhã, trí tuệ, công đức, tiền của trong tự tánh chúng ta là giống như mỏ vàng vậy, chưa có khai thác. Cho nên hiện nay rất khổ sở, phải đi làm thuê từng ngày ở ngoài đường, phước báo này là có thể hưởng hết. Hơn nữa, nhất định phải đi làm thuê như lý như pháp. Nếu như đầu cơ trục lợi, làm càn làm bậy là bạn phạm tội. Phạm tội không những bạn không thể có được cái bạn đáng phải được, trái lại bạn còn bị pháp luật trừng phạt. Đạo lý này cũng như vậy. Cho nên thế gian này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, không phải cái mà chúng ta đáng lý phải có thì quyết định không được lấy.

Giới trộm cắp của nhà Phật, ý nghĩa của trộm cắp là không cho mà lấy. Bất kể dùng thủ đoạn gì, tài sản không phải của mình mà bạn nhận lấy là họa chứ không phải phước. Điều này nhất định phải biết. Cho dù của cải trong số mạng mình có đi nữa, chúng ta cũng phải giác ngộ. Mình ở trong đời sống hưởng thụ, nói thực ra là rất ít. Chúng ta đừng nên nghĩ đến cả đời, nghĩ đến cả đời thì sẽ rất dễ phạm nhiều lỗi lầm. Người giác ngộ chân chánh, họ nghĩ như thế nào vậy? Một ngày. Ta hưởng thụ trong ngày hôm nay, tuyệt đối sẽ không nghĩ đến ngày mai. Nghĩ đến ngày mai bạn sẽ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn liền sai ngay. Chỉ nghĩ ngày hôm nay, không có ngày mai. Nhu cầu sống trong ngày hôm nay còn dư bao nhiêu đều đem bố thí cho người khác. Có phước thì cùng hưởng với tất cả chúng sanh. Bạn muốn hỏi ngày mai làm thế nào? Ngày mai sẽ được càng nhiều hơn. Sao được càng nhiều hơn vậy? Họ đang gieo phước. Gieo phước thì cái phước báo này sẽ vĩnh viễn tăng trưởng thêm, phước họ không bị mất. Chúng ta nhìn thấy người thế gian, trên toàn thế giới mỗi khu vực đều có thể nhìn thấy được, người có của cải dốc sức tích chứa, dốc sức làm tăng thêm của cải của mình, đối với sự nghiệp phúc lợi xã hội, như nhìn thấy người nghèo khổ thì một xu cũng không cho. Nhưng chẳng được mấy năm, họ bị sơ suất, nhà tan cửa nát, tài sản của họ thảy đều bị tiêu hao mất sạch. Loại hiện tượng này xưa nay trong và ngoài nước thường hay gặp. Lưu ý một chút, sẽ thấy thế gian này hiện nay ngày càng rõ ràng. Tại sao không đem số còn dư đó đi tu phước? Đây chính là mê hoặc điên đảo. Chúng ta nói đến kiết tường nhất định phải hiểu được ý nghĩa này.

/ 51