/ 51
532

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 32)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển trung trang một trăm ba mươi mốt. Mời xem Kinh văn:

“KHƯỚC HẬU QUÁ NHẤT BÁCH THẤT THẬP KIẾP, ĐƯƠNG ĐẮC THÀNH PHẬT, HIỆU VIẾT VÔ TƯỚNG NHƯ LAI, KIẾP DANH AN LẠC, THẾ GIỚI DANH TỊNH TRỤ, KỲ PHẬT THỌ MẠNG BẤT KHẢ KẾ KIẾP”.

(Quá một trăm bảy mươi kiếp sau, ông đó sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp đó tên là An Lạc, cõi nước tên là Tịnh Trụ, thọ mạng của đức Phật đó đến số kiếp không thể tính đếm được).

Đây là Thế Tôn nói cho chúng ta biết, Chủ Mạng quỉ vương đã trong khoảng thời gian rất dài, dùng thân phận đại quỉ vương để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này. Những gì phía trước nói là nói Ngài tu nhân, tu nhân thiện thì nhất định sẽ cảm được quả báo thiện. Đức Phật nói cho chúng ta biết, quá một trăm bảy mươi kiếp về sau, Ngài sẽ thị hiện thành Phật. Danh hiệu của Phật là “Vô Tướng Như-lai”. Thời đại này cũng có danh hiệu, giống như đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta xuất hiện vào thời đại này. Tên của kiếp này gọi là “Hiền Kiếp”, còn thời đại đó của Ngài gọi là “An Lạc”. Nhìn từ trên tên gọi, thấy thời đại mà đức Phật ra đời đó vô cùng tốt đẹp. Và danh xưng của thế giới, thế giới này của chúng ta hiện nay gọi là Sa Bà. Sa Bà là tiếng Phạn có nghĩa là “Kham Nhẫn”. Người trong thế gian này rất khổ, họ có thể nhẫn chịu được, là thế giới kham nhẫn. Tương lai thế giới của ngài Vô Tướng Như-lai gọi là “Tịnh Trụ”. Chúng ta nhìn thấy hai chữ “Tịnh Trụ” rất giống với thế giới Cực lạc của Phật A-Di-Đà. Và thọ mạng cũng là thuộc hàng vô lượng thọ.

Đoạn khai thị này của Thế Tôn đã gợi ý cho chúng ta rất nhiều. Phía trước đã báo cáo qua với quí vị rồi, rất nhiều quỉ vương ở trong ác đạo đều là do chư Phật Như-lai ứng hóa ở trong đó, và cũng có rất nhiều Pháp Thân Đại Sĩ tu hành ở trong đây. Đúng như lời trong “Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa" nói: “Cần dùng thân gì được độ, thì Ngài liền hiện thân ấy”. Nhưng hiện thân thuyết pháp nhất định phải có duyên chín muồi với những chúng sanh này. Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Cho nên chúng ta ở trong thế gian này không chỉ là đời này thôi, mà nhiều kiếp trong quá khứ đến nay, chúng ta không thể không kết duyên với tất cả chúng sanh. Duyên thì có thiện duyên và có ác duyên, có duyên nhiễm và có duyên tịnh. Nếu như ở trong Phật pháp thì còn có pháp duyên, thảy đều là duyên. Có duyên vậy mới có thể được độ, không có duyên thì không thể độ được. Cho dù kết ác duyên với chúng sanh cũng được. Giống như Chủ Mạng quỉ vương, các Ngài hiện thân ở trong ba ác đạo, độ chúng sanh trong ác đạo, đó là do duyên ác của những chúng sanh này chín muồi rồi, họ đọa vào ác đạo. Bồ-tát cũng không từ bỏ, cũng vào trong ác đạo thị hiện thân cùng loại để khuyên họ quay đầu, khuyên họ đoạn ác tu thiện. Lý và sự này chúng ta cần phải biết rõ, cần phải sáng tỏ, biết đây là chuyện gì, cũng phải biết rõ chúng ta hiện nay cần phải làm như thế nào. Tuy ở trên nguyên tắc nói chỉ là vấn đề của một chữ duyên.

Duyên của chúng ta với tất cả chúng sanh thù thắng nhất là kết pháp duyên. Ở trong pháp duyên không mang theo phiền não, cho nên nó sẽ giảm bớt chướng ngại đối với chính mình và đối với người khác. Ở trong duyên cho dù là thiện duyên, quí vị phải biết, thiện sẽ biến thành ác. Trong ngạn ngữ gọi là “Vui quá hóa buồn”, yêu thương đến cực điểm sẽ sinh sân hận. Quí vị phải biết, ác không thể biến thành thiện. Hận thù rất khó biến thành yêu thương được. Nhưng yêu thương biến thành thù hận thì rất dễ. Cho nên thế giới này là thế giới cực khổ. Học Phật là học làm một người sáng suốt. Người sáng suốt thì chúng ta nên kết duyên tịnh với tất cả chúng sanh, là duyên thanh tịnh, cũng chính là nói hai bên thiện ác đều xả bỏ hết. Xả bỏ đây không phải xả bỏ trên sự, mà là xả bỏ trong tâm. Trên sự khi gặp phải thiện ác, tóm lại không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc, phải giao tiếp, đây là kết tất cả duyên thiện ác, nhưng tâm địa thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi, thì thiện duyên cũng là tịnh duyên, ác duyên cũng là tịnh duyên. Phải hiểu được đạo lý này. Nếu như ở trong tất cả cảnh giới, bất kể là hoàn cảnh vật chất hay là hoàn cảnh nhân sự, nếu như chúng ta sinh tâm, khởi tâm động niệm có yêu ghét, có lấy bỏ, thì duyên này là duyên nhiễm rồi. Quả báo của duyên nhiễm rất khổ. Nếu như trong khi tiếp xúc với tất cả hoàn cảnh nhân sự, mình thật sự làm được không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, thì cảnh giới thiện hay ác đều là tịnh duyên. Trong Tịnh Tông chúng ta gọi đó đều là tịnh nghiệp. Quả báo của tịnh nghiệp, niệm Phật là chắc chắn cầu sanh Tịnh Độ. Nếu không biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì quả báo của tịnh nghiệp đa phần là ở cõi trời Sắc Giới. Bởi vì cõi trời Dục Giới cũng vẫn còn dính nhiễm. Cõi trời Sắc Giới thì dính nhiễm đã nhẹ rồi. Đây là không thể vãng sanh cũng đều sanh về cõi trời, cho nên đạo lý này phải biết.

/ 51