/ 51
349

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 13)

Mời mở bản Kinh ra. Phần khoa chú trang 160 đếm ngược đến hàng thứ ba. Xem Kinh văn:

“PHẬT CÁO TỨ THIÊN VƯƠNG: THIỆN TAI! THIỆN TAI! NGÔ KIM VỊ NHỮ CẬP VỊ LAI HIỆN TẠI THIÊN NHÂN CHÚNG ĐẲNG QUẢNG LỢI ÍCH CỐ. THUYẾT ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT Ư SA BÀ THẾ GIỚI DIÊM PHÙ ĐỀ NỘI SANH TỬ ĐẠO TRUNG, TỪ AI CỨU BẠT ĐỘ THOÁT NHẤT THIẾT TỘI KHỔ CHÚNG SANH PHƯƠNG TIỆN CHI SỰ”.

(Đức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: “Hay thay! Hay thay! Nay vì muốn được sự lợi cho chúng sanh. Ta vì các ông cùng chúng thiên nhơn ở hiện tại và vị lai, mà nói những sự phương tiện của Ngài Địa Tạng Bồ-tát ở trong đường sanh tử nơi Diêm Phù Đề ở Ta Bà thế giới này, vì lòng từ mẫn xót thương mà cứu vớt, độ thoát tất cả chúng sanh mắc phải tội khổ”).

Bồ-tát tiếp nhận lời dặn dò của đức Phật, tiếp nhận lời ủy thác của đức Phật, đặc biệt là chúng sanh ương nghạnh khó giáo hóa thời Mạt Pháp. Ngài dùng tâm từ bi vô tận, vô lượng trí tuệ và phương tiện hóa thân ở thế gian này. Ở trong xã hội, Ngài hóa thân thành già trẻ nam nữ, các ngành các nghề đều có. Nếu không phải là người minh nhãn sáng mắt thì không thể nhìn thấy được. Người sáng mắt biết rõ, thấy rất rõ ràng minh bạch, Ngài dùng vô tận phương tiện làm ở trong đó. Không nhất định là thị hiện thành thân phận xuất gia. Mọi người hiện nay không hiểu về Phật pháp, đều cho rằng Phật pháp là mê tín. Có sự chướng ngại nghiêm trọng, nếu thị hiện người xuất gia giáo hóa chúng sanh, có thể sẽ có rất nhiều chỗ bất tiện, nên Bồ-tát thị hiện thân phận tại gia rất nhiều rất nhiều, đều là khuyên người hướng thiện, sửa chữa lỗi lầm. Hôm qua có đồng tu từ Đài Loan mang đến một số băng ghi hình, có cậu bé đọc Kinh, tôi nghe xong mấy đoạn, cảm thấy rất xúc động.

Đạo lý mà cổ Thánh tiên Hiền nói không phải là học thuyết của cá nhân họ. Ví dụ Khổng Tử, những gì mà Khổng Tử nói là học thuyết của Ngài sao? Những gì mà Lão Tử nói là học thuyết của Ngài sao? Những gì mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói là học thuyết của Ngài sao? Không phải. Đó là gì vậy? Là học thuyết xứng tánh, là bản tánh của tất cả chúng sanh, chân tâm của tất cả chúng sanh, là trí tuệ đức năng của pháp vốn đầy đủ nơi tất cả chúng sanh, các Ngài nói là những điều này. Nếu như bạn nói là của một người nào đó, thế thì bạn nhìn sai rồi! Là trí tuệ đức năng vốn có ở trong tâm tánh của chính chúng ta, thuần thiện không có xen tạp. Nếu như có thể phát huy ra được, thì có thể thật sự đạt đến thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những đạo lý này chẳng có liên quan đến một cá nhân nào khác. Các Ngài tâm địa thanh tịnh, từ bi, bác ái, các Ngài thấy đạo rồi. Phật pháp chúng ta nói là minh tâm kiến tánh, các Ngài thấy đạo rồi, chứng đạo rồi. Còn chúng ta là mê hoặc điên đảo, chưa có thấy đạo, chưa có chứng đạo. Nếu chúng ta chứng đạo rồi thì không có khác gì so với các Ngài. Phải làm sao mới có thể chứng được vậy? Phải phá chấp ngã, phải phá chấp pháp. Cách phá như thế nào? Niệm niệm vì chúng sanh, không nên nghĩ cho mình. Niệm niệm vì Phật pháp, là sự nghiệp của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta chính là Phật pháp.

Phật pháp là gì? Phật là giác ngộ. Pháp là phương pháp. Phương pháp khiến cho tất cả chúng sanh giác ngộ liền gọi là Phật pháp. Giúp tất cả chúng sanh phương pháp giác ngộ, bạn chính là hoằng dương Phật pháp. Chúng ta ngày nay ở thế gian này là làm ngành nghề này. Ngành nghề này nếu dùng cách nói hiện nay để nói, chính là người làm công tác giáo dục xã hội, nói vậy mọi người dễ hiểu. Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế, Ngài làm công việc gì vậy? Giáo dục xã hội, hơn nữa là làm thiện nguyện, không nhận lấy một xu nào của người tiếp nhận giáo dục, hoàn toàn là nghĩa vụ, là người làm công tác thiện nguyện giáo dục xã hội. Chúng ta là học trò của Phật, phải tiếp nối huệ mạng của Phật. Phật đã làm cả đời, chúng ta là đệ tử học Phật nhiều đời nhiều kiếp sau, hãy tiếp tục không ngừng chăm chỉ nỗ lực mà làm, nhất định phải làm tốt việc giáo dục xã hội này. Đối tượng của giáo dục xã hội là tất cả chúng sanh, không phân biệt già trẻ nam nữ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, cũng không phân biệt cõi trời hay nhân gian, chúng sanh trong chín pháp giới thảy đều đối xử bình đẳng. Chúng ta phải học làm thầy, làm phạm. Thầy là chuẩn mực của đại chúng xã hội. Phạm là mô phạm. Chúng ta không làm được, chúng ta phải sinh tâm hổ thẹn. Chủ tâm của chúng ta, tâm của chúng ta có thể làm gương cho đại chúng xã hội hay không? Ngôn hạnh của chúng ta có thể làm gương cho đại chúng xã hội không? Phải thường xuyên nghĩ như vậy. Phàm việc gì không thể làm gương tốt cho đại chúng xã hội thì nhất định không được làm, ý nghĩ nào không thể làm gương tốt cho đại chúng xã hội thì không được nghĩ. Như vậy mới được chư Phật Bồ-tát hộ niệm, chư Phật Bồ-tát gia trì, long thiên thiện thần ủng hộ. Chúng ta đang thúc đẩy giáo dục xã hội này.

/ 51