/ 51
318

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 10)

PHẨM THỨ TƯ

NGHIỆP CẢM CỦA CHÚNG SANH Ở CÕI DIÊM PHÙ ĐỀ

Từ trên tên của phẩm này chúng ta thấy được rất rõ ràng, những chuyện mà trong Kinh nói đều thuộc về thế giới này của chúng ta. Trong Kinh Phật gọi là Nam Diêm Phù Đề Châu chính là chỉ trái đất này của chúng ta. Phật nói với chúng ta, tu học Phật pháp phải lấy Kinh làm chủ. Đây là trong Tứ Y chỉ dạy chúng ta: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ”. Đây là nguyên tắc vĩnh hằng bất biến. Bởi vì chúng ta nhìn thấy cổ đức có một số chú giải, dường như không tương ưng với những gì khoa học hiện đại quan sát được. Đối với việc này, chúng ta có thể nghi ngờ, không nên nói những gì khoa học hiện đại nói là chính xác, còn những gì Kinh Phật nói là mê tín. Nếu như chúng ta dùng phương pháp này để quan sát, thế thì quá đỗi sai lầm! Bởi vì có rất nhiều cảnh giới mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được. Chúng ta tin lời Phật nói trong Kinh, tổ sư đại đức chưa nhập cảnh giới này, nên những gì nói ra không nhất định là hoàn toàn tương ưng, chúng ta có thể đem ra để làm tham khảo, cũng không cần phải phủ định nó, dù sao có nói như vậy cũng là tốt. Nếu như quý vị xem trong chú giải, ví dụ Ngài nói ở trong Kinh Trường A Hàm. Tại sao mặt trăng có bóng? Cái bóng này là bóng cây của cõi Diêm Phù Đề. Hiện nay người tiếp nhận nền giáo dục khoa học họ sẽ phủ nhận hoàn toàn. Những chỗ như thế này chúng ta không cần phải tranh luận. Nếu như không thể hiểu rõ triệt để thì có thể nghi ngờ.

Mời xem Kinh văn:

“NHĨ THỜI ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT MA-HA-TÁT BẠCH PHẬT NGÔN: THẾ TÔN! NGÃ THỪA PHẬT NHƯ-LAI UY THẦN LỰC CỐ, BIẾN BÁCH THIÊN VẠN ỨC THẾ GIỚI, PHÂN THỊ THÂN HÌNH CỨU BẠT NHẤT THIẾT NGHIỆP BÁO CHÚNG SANH. NHƯỢC PHI NHƯ-LAI ĐẠI TỪ LỰC CỐ, TỨC BẤT NĂNG TÁC NHƯ THỊ BIẾN HÓA”.

(Lúc đó, Ngài Địa Tạng Bồ-tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nương sức oai thần của đức Như-lai, nên chia thân này ở khắp trăm nghìn muôn ức thế giới, để cứu vớt tất cả chúng sanh bị nghiệp báo. Nếu không nhờ sức đại từ của đức Như-lai, thời chẳng có thể biến hóa ra như thế được).

Phật, Bồ-tát độ chúng sanh, có câu là: “Phương tiện có nhiều cửa, về nguồn không hai”. Đây là từ trong trí tuệ viên mãn, kỹ xảo cao độ biểu hiện ra. Có rất nhiều phương cách mà suy nghĩ, quan niệm của phàm phu chúng ta không thể đạt đến được, lý giải được. Bất kỳ việc gì cũng nhất định không nên nhìn thấy trước mắt. Trước mắt chỉ là phương cách, nhất định phải nhìn thấy mục đích. Nếu như mục đích là thuần chánh thì phương cách phi pháp cũng là thuần chánh. Cái này cao minh. Nếu như mục đích là tà ác thì phương cách thiện đi nữa cũng là tà ác. Giống như trước đây cha mẹ, thầy cô dạy bảo con em vậy, có khi mắng chúng, có khi đánh chúng, có khi quở trách chúng, nhưng mà ý là thiện, đều là mong chúng học theo những điều tốt đẹp, để kết quả sau này được tốt. Nếu như hằng ngày cưng chiều, mọi thứ đều thuận theo tâm ý của chúng, nuông chiều từ nhỏ, đến khi trưởng thành làm điều phi pháp, thế thì cha mẹ và thầy cô đều có lỗi.

Cách thức, phương pháp mà Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh thì cao siêu hơn, đặc biệt hơn nữa. Chúng ta xem thấy trong "Kinh Hoa Nghiêm", giống như Thắng Nhiệt Bà La Môn, Cam Lộ Hỏa Vương, Phạt Tô Mật Đa Nữ dùng phương pháp tham sân si này, giống như là hoàn toàn trái ngược với đạo, nhưng đến cuối cùng thấy kết quả của họ đều được trong lành, tự tại, đều có thể xa lìa tham sân si chứng được công đức viên mãn của tự tánh, nên những gì họ làm là thuộc về phương tiện thiện xảo.

Trong "Kinh Địa Tạng" chúng ta cũng nhìn thấy hiện tượng này, biểu diễn còn thù thắng hơn so với ba vị Bồ-tát [trong Kinh Hoa Nghiêm], đều là dùng những vị quỷ vương ác độc trong Địa Ngục. Quỉ vương đều là do Bồ-tát hóa thân, chứ không phải quỷ vương thật. Quỉ vương thật sao có thể tham gia pháp hội của Phật Thích Ca Mâu Ni ở cung trời Đao Lợi được? Cõi người chúng ta còn cao hơn một bậc so với cõi quỷ, con người còn không thể tham gia pháp hội của Thế Tôn, thì làm sao quỷ, súc sanh có thể tham gia được? Ở trong hàng quỉ vương có vị thị hiện thân súc sanh, đều là đại Bồ-tát, đều là ngang hàng với Bồ-tát Địa Tạng. Hay nói cách khác, thảy đều là Bồ-tát Địa Tạng. Chúng ta ngày nay có thể hiểu được lời Phật dạy, thật sự có thể phát tâm, dựa theo lý luận, phương pháp của Kinh này mà tu học, cũng phát đại tâm: “Địa ngục bất không, thề không thành Phật”, thì bản thân chúng ta cũng đã tham dự vào câu lạc bộ của Bồ-tát Địa Tạng, cũng là thuộc hạng giống như Bồ-tát Địa Tạng rồi.

/ 51