/ 4
14

KHÔNG LÀM GIẶC, KHÔNG NÓI XẤU LÃNH ĐẠO TỔ QUỐC,

KHÔNG TRỐN THUẾ, KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT

Phần 1

(Báo cáo Thiện Tài Đồng Tử tham học)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Hội phúc lợi Kim Sa Chuỷ Cửu Long Hong Kong

Thời gian: Tháng 08 năm 2000

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Xin mời mở giảng nghĩa, tờ thứ hai, đoạn lớn thứ ba: Xưng tán thọ pháp. Hai đoạn nhỏ phía trước đã giới thiệu qua với các vị. Ngày hôm nay bắt đầu xem từ đoạn nhỏ thứ ba: “thiện nam tử, ngã đắc tự tại, quyết định giải lực”. Phía sau có bốn câu: “tín nhãn thanh tịnh, dục tu niệm Phật Tam muội, tiên đương chánh tín, tín giải tương ưng, liễu kiến phân minh”.

Chúng ta sẽ giới thiệu qua từng điều, đây là Tỳ Kheo Kiết Tường Vân dạy cho Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài là đại biểu bốn chúng đồng tu tại gia xuất gia chúng ta, không nhất định là có một người này. Nếu như các vị nghĩ chỉ là một Thiện Tài này, vậy thì bạn nghĩ sai rồi, đây là Thế Tôn dùng Thiện Tài để làm biểu pháp. Thiện là chỉ thiện căn, Tài là chỉ phước đức. Phàm hễ tất cả chúng sanh đầy đủ thiện căn phước đức, trong Phật pháp đều gọi là Thiện Tài, cho nên Thiện Tài không nhất định là một người, mà có rất nhiều người. Đây là nhà Phật thường gọi là chấp tướng. Khi thấy bên cạnh Bồ Tát Quán Thế Âm có một người nam và một người nữ, mọi người đều biết đó là Thiện Tài và Long Nữ. Thiện Tài thì được nói đến trong Kinh Hoa Nghiêm, Long Nữ thì được nói đến trong Kinh Pháp Hoa, hai vị đều là biểu pháp. Do đây có thể biết, Long Nữ không phải là người mà là rồng. Rồng là súc sanh, thuộc cõi súc sanh, hơn nữa Long Nữ tuổi đời rất trẻ, 8 tuổi đã thành Phật.

Phật dùng đồng nam đồng nữ để khuyến khích mọi người chúng ta, nói với chúng ta là thành Phật không khó, mà cái khó chính là ở chỗ chúng ta không có phương pháp khắc phục phiền não tập khí của chính mình. Nếu như có năng lực khắc phục chướng nạn này, chúng sanh cùng Phật trên thực tế chỉ kém một niệm. Một niệm giác thì chúng sanh liền thành Phật, một niệm mê thì Phật liền biến thành chúng sanh. Chúng sanh cùng Phật chỉ là giữa khoảng mê và ngộ mà thôi. Điểm này chúng ta nhất định phải tường tận, nhất định phải thấu hiểu. Có rất nhiều đồng tu nghe Phật pháp đã nhiều năm, đều có thể nhận biết, Phật pháp là giáo dục cứu cánh nhất, viên mãn nhất của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với tất cả chúng sanh. Ngài dạy chúng ta làm thế nào chuyển ác thành thiện, điều này rất quan trọng. Cần phải biết rõ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là do con người tạo tác tất cả nghiệp bất thiện mà chiêu cảm đến quả báo, chúng ta phải nên cảnh giác. Phật dạy bảo chúng ta làm thế nào chuyển mê thành ngộ, đó là trung tâm khoá mục giáo học của Phật Đà. Vì mê nên mới xuất hiện sáu cõi luân hồi, sau khi giác ngộ thì bạn liền thấy được pháp giới nhất chân, cho nên mê ngộ từ đầu đến cuối then chốt chính ngay ở giáo học. Phật mong cầu tất cả chúng sanh chuyển phàm thành thánh. Phật là đại thánh, Ngài hy vọng mỗi một người chúng ta đều giống y như Ngài. Điều này cho thấy, Phật pháp là pháp bình đẳng, Phật pháp là pháp thanh tịnh.

Vừa rồi có một vị đồng tu rất là hiếm có, ông phát tâm mong cầu xuất gia, đến nhờ tôi thế phát cho ông. Nhưng các vị đồng tu cần phải nên biết, năm xưa tôi học Phật, nhờ chỉ điểm của đại sư Chương Gia, cả đời tôi ảnh hưởng đại sư Ấn Quang. Ấn tổ cả đời tuân thủ ba điều giới luật:

- Điều thứ nhất là không làm trụ trì, không tham gia chính trị;

- Điều thứ hai là không nhận đệ tử xuất gia, không thế phát cho người;

- Điều thứ ba là không truyền giới. Cả đời Ấn tổ không truyền giới.

Tôi rất là ngưỡng mộ vị lão sư này, cho nên tôi học Phật cũng là học tập Ngài tổ sư tuân thủ ba điều giới này, cả đời chính mình không có đạo tràng. Tôi giảng kinh 41 năm, xuất gia sắp gần 50 năm, tôi không có đạo tràng, cũng không có đồ đệ, việc này các vị nhất định phải hiểu mà tha thứ cho. Tôi dạy học, cho nên có học trò, không luận bạn xuất gia ở nơi nào, sau khi xuất gia, hoặc giả là chưa xuất gia, thân phận cư sĩ đến cầu học, chúng tôi cũng đều tiếp nhận.

Hiện tại lớp bồi dưỡng ở Singapore, một học kỳ của lớp bồi dưỡng là nửa năm, danh sách 30 người. Hiện tại là hiệp hội Phật giáo Trung Quốc hợp tác với Tịnh Tông Học Hội cùng Cư Sĩ Lâm Singapore. Học trò là do hội Phật giáo Trung Quốc bảo lãnh đưa qua, các vị muốn tham gia lớp bồi dưỡng phải ghi danh ở Hiệp hội Phật giáo Bắc Kinh, chúng tôi chỉ phụ trách giảng dạy, không phụ trách chiêu sinh. Huấn luyện tương đối là nghiêm khắc, chỉ có nghiêm khắc thì tuy chỉ có thời gian ngắn nửa năm, cũng có thể học một bộ kinh luận, đây là công tác trước mắt mà chúng tôi đang làm. Vừa rồi tôi nghe đồng tu báo cáo, trù bị kinh phí làm đĩa. Việc này không nên quá khẩn trương, Phật pháp tuỳ duyên mà không phan duyên, phan duyên thì tâm của bạn không thanh tịnh, tâm tuỳ duyên là thanh tịnh. Cho nên việc làm đĩa này, tiền nhiều thì làm nhiều, tiền ít thì làm ít, không có tiền là tốt nhất, vì không có tiền thì chúng ta ngày ngày tu tập, không phải làm, vậy thì tốt. Cho nên nhiều năm đến như vậy, ở Đài Loan ngày trước, Cơ Kim Hội Giáo dục Phật Đà và thư viện Hoa Tạng làm rất triệt để, cả đời chúng ta chưa từng đi hoá duyên, chưa hề đi quyên mộ, luôn luôn tuân thủ lời giáo huấn của cổ đức: “nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Đạo tràng tuy đã xây dựng rồi, có rất nhiều đồng tu tự động quyên hiến, đó là họ tín nhiệm chúng ta, uỷ thác cho chúng ta thay họ làm việc tốt, chúng ta cần phải tận tâm tận lực, không phụ lòng sự uỷ thác của họ, đó là việc đáng làm. Thế nhưng chúng ta quyết không tự động ra bên ngoài quyên góp, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình, không nên làm loạn lên cái tâm hoằng pháp lợi sanh của chính mình, điểm này rất là quan trọng.

/ 4