ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 46
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore.
Mời mở kinh, Khoa Chú quyển hạ, trang 65, mời xem kinh văn:
Sanh nhân thiên trung, thọ thắng diệu lạc, thị nhân quyến thuộc như hữu phước lực, dĩ sanh nhân thiên thọ thắng diệu lạc giả, tức thừa tư công đức chuyển tăng thánh nhân, thọ vô lượng lạc.
Trong chú giải vừa mở đầu liền nói: “Đã sanh cõi thiện, tăng thêm công huân, chưa thoát khổ luân, sớm sanh Tịnh độ”, cùng với ý nghĩa của đoạn kinh này là giống nhau. Đây là nói rõ người thân quyến thuộc nếu khi còn sống hành thiện tu phước, đời sau vẫn có thể được thân người. Nếu sức mạnh của thiện hạnh, phước đức rất lớn thì họ có thể sanh lên cõi trời hưởng thiên phước. Quyến thuộc vì họ cúng dường hình tượng Địa Tạng Bồ-tát, y theo những phương pháp dạy trong kinh điển tu học để siêu độ cho họ, bồi phước cho họ, họ thành tựu công đức như vậy. Trong kinh này nói được rất rõ ràng, “quyến thuộc người này, nếu có phước lực”, y theo phương pháp này tu học, tức là tu phước, tu học như vậy họ có thể đạt được lợi ích hay không? Có thể được lợi ích, phước báo của họ được tăng thêm, lớn thêm. Ở đây nói “Nhờ vào công đức đó chuyển tăng nhân thánh”, nhân thánh là cơ duyên Phật pháp, trong lúc họ hưởng phước báo trời người có duyên gặp Phật pháp, đương nhiên tình hình này chúng ta có thể tưởng tượng ra được oai thần gia trì của Địa Tạng Bồ-tát giúp họ có thể tiếp nhận Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp, lý giải Phật pháp, y giáo tu hành, được vậy thì quả báo của họ sẽ thù thắng, “thọ nhận vô lượng niềm vui”. “Vô lượng niềm vui” là một tiêu chuẩn, đến lúc nào mới thật sự được vô lượng niềm vui? Tổng quy về pháp môn Tịnh độ mới thật sự được vô lượng niềm vui, hơn nữa trong thời gian rất ngắn liền có thể đạt được, cổ đức thường nói “Phật pháp thành tựu ngay trong đời này”, không cần phải đợi tới đời sau.
Do đó có thể biết, pháp môn này thật đúng như đại sư Thiện Đạo đã dạy, lão nhân gia ngài nói cho chúng ta biết “chín phẩm vãng sanh đều tại gặp duyên không giống nhau”. Từ lời dạy của ngài chúng ta có thể hiểu được sau khi con người chết đi sẽ thác sanh vào cõi nào cũng là do gặp duyên không giống nhau, quý vị nghĩ thử có đúng hay không? Chúng ta ở trong đời này nếu như gặp được là ác duyên, hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất đều không tốt, trong tâm buồn bực, thường khởi tham sân si mạn thì sẽ đọa tam ác đạo. Tại sao đọa tam ác đạo? Vì gặp duyên không giống nhau. Nếu như trong đời này gặp được thiện tri thức, gia đình hạnh phúc, học trường tốt, gặp thầy giỏi, bạn bè tốt thì bạn nhất định có tâm thiện, tâm thiện hạnh thiện thì bạn nhất định ở tam thiện đạo, do vậy mới biết “duyên” rất quan trọng. Trong Phật pháp gọi là duyên, hiện nay người thế gian gọi là cơ hội, tuy ngôn từ khác nhau nhưng ý nghĩa đều giống nhau. Do đó trong sách xưa chúng ta đọc thấy chuyện “Mạnh mẫu ba lần dời nhà”, mẹ của Mạnh tử ba lần dời nhà. Chư vị phải biết hiện nay dọn nhà rất bình thường, nhất là ở ngoại quốc, dân tộc du mục thường xuyên dọn nhà, còn Trung Quốc thời xưa dọn nhà không dễ, [phần đông] đều sống mãi ở một nơi, bao nhiêu đời cũng ở một nơi, ở ngôi nhà xưa, đâu có chuyện thường dọn nhà? Tại sao mẹ Mạnh tử phải dọn nhà ba lần? Đều là vì con cái, vì hoàn cảnh sinh hoạt của con nhỏ, nơi đó duyên không tốt thì phải dọn nhà, chọn lựa nơi nào người hàng xóm đều là người thiện, đều là người tốt, giúp cho con nhỏ sinh hoạt trong hoàn cảnh tốt đẹp, từ nhỏ con nhỏ có thể huân tập những sự thiện lương. Cho nên, Mạnh tử có thể trở thành thánh nhân là nhờ được mẹ dạy dỗ, được mẹ chăm sóc tốt. Hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều gia đình con cái ngang ngược, con cái không nghe lời, nguyên nhân là gì? Con cái tiếp xúc với bạn xấu, hoàn cảnh sinh sống không tốt, nguyên nhân này rất lớn.
Đời này chúng ta học Phật, nếu muốn ngay trong đời này thành tựu thì chúng ta phải chọn lựa hoàn cảnh học Phật tốt. Đây cũng chính là những năm gần đây tại vì sao chúng tôi thường muốn xây làng Di-đà, xây niệm Phật đường? Chẳng qua là muốn tạo dựng một hoàn cảnh tu hành tốt đẹp. Mọi người biết thế giới Tây Phương Cực Lạc tại sao người ở đó thành tựu nhanh chóng như vậy? Vì hoàn cảnh tu học tốt, cõi nước chư Phật ở mười phương cũng không thể sánh với thế giới Tây Phương. Thế giới Tây Phương là nơi những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ, bạn nói hoàn cảnh này tốt biết mấy? Cổ đại đức giải thích chữ “thượng thiện” cho chúng ta, thượng thiện là chỉ cho nhân vật nào? Là chỉ cho Đẳng giác Bồ-tát. Thập địa Bồ-tát đã rất “thiện”, còn thêm “thượng”, cho nên “thượng thiện” là Đẳng giác. Do đó có thể biết, Bồ-tát ở thế giới Tây Phương đều là Đẳng giác Bồ-tát. Ở trong hoàn cảnh này tu học thì làm sao bạn không thành Phật cho được? Đây là cõi nước chư Phật ở mười phương cũng không thể sánh bằng, đạo lý ở chỗ này. Chúng ta chọn hoàn cảnh tu học, tại sao lại chọn thế giới Cực Lạc? Tại sao chư Phật Như Lai đều khuyên chúng ta chọn thế giới Cực Lạc? Đạo lý ở chỗ này. Hoàn cảnh tu học ở mười phương cõi nước tuy là tốt, nhưng ở đâu tìm được nhiều Đẳng giác Bồ-tát ở chung một chỗ như vậy, không tìm được. Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đều có, hơn nữa tu học là dần dần thành tựu, phải từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng dần dần nâng cao lên. Cho dù thế giới Tây Phương vãng sanh hạ hạ phẩm, khi sanh tới đó đều làm A-duy-việt-trí Bồ-tát, đây là lời A-di-đà Phật nói trong 48 lời nguyện của ngài. Câu này là bổn nguyện công đức của A-di-đà Phật, nguyện của ngài đều đã thực hiện, ngài đã thành Phật. Sanh tới thế giới Tây Phương liền làm A-duy-việt-trí Bồ-tát, đây là pháp khó tin, ai tin nổi việc này? Đây là lời đức Phật nói. Phật không thể nào vọng ngữ, lời Phật nói khẳng định là chân thật, chúng ta cần phải tin sâu không nghi, cho nên chúng ta phải lựa chọn hoàn cảnh tu học. Câu này tuy không nói rõ nhưng đã bao gồm ý nghĩa “chuyển tăng nhân thánh, thọ nhận vô lượng niềm vui” ở trong đó. Mời xem tiếp kinh văn: