/ 51
166

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 36

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore


Xin mời mở cuốn Khoa Chú quyển hạ, trang 3, mời xem kinh văn:

Nhĩ thời Phật cáo Địa Tạng Bồ-tát: “Ngô kim ư Đao-lợi thiên cung nhất thiết chúng hội, thuyết Diêm-phù-đề bố thí, giảo lượng công đức khinh trọng, nhữ đương đế thính, ngô vị nhữ thuyết”.

Đoạn trước có nói Địa Tạng Bồ-tát thỉnh giáo đức Thế Tôn, chúng sanh trong lục đạo tu phước, tu phước không giống nhau, quả báo cũng không giống nhau, thỉnh đức Phật giảng rõ chân tướng sự thật này cho chúng ta biết, đoạn kinh này là lời Thế Tôn giảng giải. Chữ “nhĩ thời” trong kinh văn là lúc Địa Tạng Bồ-tát thưa hỏi về việc này. Thế Tôn nói với Địa Tạng Bồ-tát, “ngô” là lời đức Phật tự xưng, hôm nay tại cung trời Đao-lợi, trong tất cả chúng hội, “nhất thiết chúng hội” bao gồm đại chúng trong mười pháp giới, hội này vô cùng thù thắng, hiếm có. Trong phẩm tự chúng ta đã thấy mười phương hết thảy chư Phật Như Lai, chư đại Bồ-tát, đương nhiên trong đó bao gồm chúng sanh trong chín pháp giới, do đó trong hội này trên thực tế cùng với hải hội Hoa Nghiêm không hai không khác, chẳng qua hội này là mở tại cung trời Đao-lợi, kỳ thật đã phá vỡ thời gian và không gian. Chúng ta nhìn thấy lục đạo chúng sanh trong tận hư không, khắp pháp giới đến tham dự pháp hội này, cũng giống như quang cảnh trong kinh Hoa Nghiêm, đều là chư Phật, Bồ-tát ứng hóa trong lục đạo, ứng hóa trong ác đạo, dùng thân phận của những quỷ vương này tham dự đại hội, do đó hết thảy đại chúng trong hội vô cùng hiếm có. “Giảng về sự so sánh công đức nặng nhẹ của việc bố thí ở Diêm-phù-đề”, đây là đáp ứng lời thỉnh cầu của Địa Tạng Bồ-tát, Diêm-phù-đề chính là địa cầu của chúng ta, những người trên địa cầu tu phước được quả báo nặng nhẹ. Hai câu cuối cùng này đặc biệt căn dặn Địa Tạng Bồ-tát, trên thực tế là dặn dò mọi người chúng ta, “nhữ đương đế thính”, đế thính là nghe cho kỹ, “ngô vị nhữ thuyết”, sau đó là Thế Tôn thuyết pháp cho chúng ta. Mời xem kinh văn:

Địa Tạng bạch Phật ngôn: “Ngã nghi thị sự, nguyện nhạo dục văn”.

Thật ra mà nói, Địa Tạng Bồ-tát hoàn toàn là đại biểu cho chúng ta, ngài nói: “Đối với việc này con rất hoài nghi, rất mong Thế Tôn hoan hỷ vì chúng con mà giảng chân tướng sự thật này. Trong chú giải, pháp sư Thanh Liên đã nói với chúng ta vài câu, những câu này đều là tình hình trong đời sống hiện thực, chúng ta hãy đọc phần chú giải: “Người ở Diêm-phù-đề có thể làm việc bố thí, nhất định sẽ được quả báo sanh lên trời”. Chân thật tu bố thí, bố thí như lý như pháp, bố thí là phước, khi tu phước được phước báo lớn thì người ấy sanh lên trời để hưởng phước. Cho nên, Thế Tôn ở trên trời nói về công đức nặng nhẹ của việc bố thí, tại sao không nói ở cõi người mà nói ở cõi trời? Đây là chỉ rõ ý nghĩa này cho chúng ta. Nói: “Hãy nên lắng nghe, nghiệp của bố thí chính là nguồn gốc của các hạnh”, hai câu này là cương lĩnh, nói tổng quát. “Hơn nữa, tài vật vô thường, năm nhà tranh đoạt, phàm phu ngu muội keo kiệt, không có tâm xả”, đây là nói về tình trạng của con người trong thế gian, xã hội trước mắt càng nhiều hơn nữa, không từ bỏ bất cứ thủ đoạn gì để đoạt lấy tài vật, đây là tạo tội nghiệp. “Khiến cho vợ con dòm ngó”, đây là gia đình bất hòa, “anh em bất hòa, quyến thuộc chống đối rời xa, bạn bè tuyệt giao”, đây là nói ra những tình trạng hiện thực trong xã hội chúng ta. Rốt cuộc là do nguyên nhân gì tạo thành? Hiện nay, tình trạng này quá bình thường, quá nhiều rồi. Ở Trung Quốc, ở ngoại quốc hầu như những gì sáu căn chúng ta tiếp xúc đến đều là cảnh giới này, chúng ta phải hiểu nghiệp nhân quả báo này, vậy thì phải lắng nghe lời khai thị sau đây của Thế Tôn. Mời xem kinh văn:

Phật cáo Địa Tạng Bồ-tát: “Nam Diêm-phù-đề hữu chư quốc vương, tể phụ đại thần, đại trưởng giả, đại Sát-lợi, đại Bà-la-môn đẳng.

Những người này đều là những người có địa vị trong xã hội, có tài sản, có thể bố thí.

Nhược ngộ tối hạ bần cùng, nãi chí lung tàn âm á, lung si vô mục, như thị chủng chủng bất hoàn cụ giả. 

Đây là những đối tượng được bố thí. Trong Phật pháp gọi là phước điền (ruộng phước), phước điền có ba loại, loại này là “bi điền”, là những người đáng thương nhất trong thế gian. Những người này trong đời quá khứ không tu phước, tuy được thân người, cuộc sống vô cùng khó khăn, những người có khả năng như chúng ta nhìn thấy những chúng sanh này phải nên dùng tâm đại từ bi tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Nghiệp nhân quả báo, pháp sư Thanh Liên cũng có đề cập sơ lược trong chú giải. Câu cuối cùng ngài trích dẫn lời trong kinh: “Muốn biết nhân đời trước, xem quả hưởng đời này. Muốn biết quả tương lai, xét nhân gieo hiện tại. Phước báo giống như bóng, như tiếng vang, không thể không biết”. Trồng phước được phước, như bóng theo hình, cần phải hiểu đạo lý này. Sau đó là Thế Tôn dạy chúng ta phải nên dùng tâm thái như thế nào để tu bố thí.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51