ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 31
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore
Mời mở kinh văn, cuốn Khoa Chú, quyển trung, trang 118, mời xem kinh văn:
Thuyết thị ngữ thời, hội trung hữu nhất quỷ vương danh viết Chủ Mạng, bạch Phật ngôn: “Thế Tôn, ngã bổn nghiệp duyên chủ Diêm-phù nhân mạng, sanh thời tử thời ngã giai chủ chi. Tại ngã bổn nguyện thậm dục lợi ích. Tự thị chúng sanh bất hội ngã ý, trí linh sanh tử cụ bất đắc an”.
Chúng ta xem trước đoạn này. “Ðức Phật nói lời ấy xong”, câu này là tiếp nối câu trước, đoạn trước lúc Ác Độc quỷ vương thưa hỏi với Thế Tôn xong, lúc ấy trong pháp hội lại có một vị quỷ vương tên là Chủ Mạng. Từ trong danh hiệu chúng ta có biết được vị quỷ vương này cai quản về việc sanh tử của tất cả mọi người trong thế gian, chuyên môn cai quản về việc này cho nên gọi là Chủ Mạng quỷ vương. “Bạch với Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn, xưa nay nghiệp duyên của con”, dùng cách nói hiện nay chính là chức vụ của ông, “nghiệp duyên” nghĩa là chức vụ của ông. Công việc của ông là chuyên môn cai quản nhân mạng cõi Diêm-phù; một người nào đó sanh ra hay đầu thai, ông đều chăm lo những việc này; khi người nào đó chết đi thì ông sẽ lo lắng cho người ấy, “con đều phụ trách”. Xem từ chỗ này chúng ta hiểu được con người từ khi sanh đến lúc chết đều có quan hệ mật thiết với thiên địa quỷ thần. Nhưng người hiện nay đọc những đoạn kinh văn này đều cho rằng đây là mê tín, dùng hai chữ “mê tín” bèn cự tuyệt, bài xích những việc này. Vậy bạn còn phải chịu sự cai quản của quỷ vương hay không? Vẫn phải chịu sự cai quản của ông ta, bất luận là bạn tin hay không tin; không phải nói tin thì có, không tin thì không có, vậy thì mọi việc đơn giản quá rồi. Nếu chúng ta hoàn toàn không tin lục đạo luân hồi thì lục đạo luân hồi sẽ không có, không tin sanh tử thì sanh tử sẽ không có, lẽ nào có chuyện như vậy! Bạn tin thì nó cũng có, mà không tin thì nó vẫn có. Giáo dục thời xưa không giống với bây giờ, giáo dục thời xưa ít nhiều gì cũng liên quan đến ba đời, nói về đời quá khứ, đời hiện tại, và cũng nói về đời vị lai. Vị lai là nói sau khi chết, sau khi con người chết đi, quá khứ là lúc chúng ta chưa sanh ra, đây là ba đời.
Nội dung của giáo dục thời xưa ở Trung Quốc có ba trọng điểm, thứ nhất là dạy bạn làm người, hiểu rõ quan hệ giữa người với người, nếu bạn không hiểu thì bạn sẽ không biết cách làm người. Nếu không biết làm người thì nhân gian này là con đường hiểm giống như trong kinh đã nói, từng bước chân đều đang đi tới ba đường ác; nếu bạn biết làm người thì bạn có thể tránh khỏi đường nguy hiểm, bạn được thân người rồi còn có thể giữ được thân người, tương lai lại được thân người, nhất định có được cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn bây giờ, đó là giáo dục. Trọng điểm thứ hai là hiểu rõ quan hệ giữa con người với đại tự nhiên, quan hệ giữa con người với hết thảy động vật, thực vật, quan hệ giữa con người với sinh thái tự nhiên; một khi bạn hiểu được thì mới biết đạo dưỡng sinh. Trọng điểm thứ ba là dạy bạn quan hệ giữa con người với thiên địa quỷ thần, nếu quan hệ này được xây dựng tốt đẹp thì bạn sẽ được thiên địa, quỷ thần ủng hộ, bạn được họ giúp đỡ; nếu như quan hệ không tốt, nơi nơi đều đắc tội với thiên địa quỷ thần thì bạn sẽ gặp phiền phức lớn. Chư vị phải biết thiên địa quỷ thần không phải là Phật, Bồ-tát, họ vẫn là phàm phu, phàm phu vẫn chưa lìa khỏi thất tình ngũ dục; khi nhìn thấy người tu thiện thì họ sanh tâm vui vẻ, họ khen ngợi bạn, làm lợi ích cho bạn; khi nhìn thấy người làm việc ác thì họ không vui, họ sẽ tức giận, họ sẽ tìm bạn gây phiền phức, sẽ trừng phạt bạn. Do đó thiên địa quỷ thần là phàm phu, chúng ta phải ghi nhớ họ là lục đạo phàm phu. Giáo dục xưa kia và giáo dục Phật pháp đều biết được những chân tướng sự thật này.
Nói thật ra, người xưa bất luận là pháp thế gian hay xuất thế gian đều xem trọng thiền định, trong Phật pháp gọi là thiền định, tuy người thế gian không gọi là thiền định nhưng họ chủ trương “thanh tâm quả dục”, vắng lặng đến cực điểm. Trong sự tu dưỡng thường ngày đều xem trọng tâm thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh đến mức độ nhất định thì hoàn cảnh đời sống của quỷ thần bạn có thể biết được, bạn có thể thấy được. Người học Phật thường nhìn thấy trong thiền định, do đó quỷ thần nhất định có. Quan hệ giữa quỷ thần với đời sống chúng ta rất mật thiết, cũng giống như tổ chức chính phủ trong thế gian hiện nay của chúng ta vậy, mỗi cơ cấu, mỗi tổ chức của quốc gia cùng với đời sống của chúng ta đều có liên quan, chúng ta nhất định phải biết đạo lý này. Người thời nay dùng con mắt của khoa học để quan sát, nếu như đi sâu thêm một tầng, đối với những sự tướng nói trong kinh Phật, tôi tin rằng họ cũng có thể nhận biết được. Ở Trung Quốc thông thường gọi là vận khí, người ngoại quốc gọi là từ trường. Chúng ta sống chung với nhau, bạn cảm nhận thấy có vận khí, khi tiếp xúc với thiên nhiên cũng có thể cảm nhận được vận khí của nó. Người nước ngoài gọi là từ trường, người Trung Quốc chúng ta gọi là vận khí. Một khi bạn tiếp xúc đến thì trong tâm bạn liền cảm nhận được, giống như ở một nơi nào đó, vận khí lúc nhiều người với lúc ít người sẽ không giống nhau; vận khí ban ngày và ban đêm cũng không giống nhau, chúng ta thường có cảm xúc rất rõ ràng đối với những chuyện này. Loại cảm xúc này, nếu dùng quan sát và phương pháp của các nhà khoa học hiện nay thì đây chính là tiếp xúc qua lại của các dao động sóng. Nếu như tần số của dao động sóng tương đối gần nhau thì chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái; nếu như những dao động sóng này, mức độ dao động sóng rất lớn, rất nhanh thì chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái, cảm thấy rất bất an, những sự lý này không khó hiểu.