/ 51
181

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 28

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore


Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 91, hàng thứ 2 đếm ngược.

DIÊM LA VƯƠNG CHÚNG TÁN THÁN PHẨM ĐỆ BÁT

Nhĩ thời Thiết Vi sơn nội hữu vô lượng quỷ vương, dữ Diêm-la thiên tử câu nghệ Đao Lợi lai đáo Phật sở.

Chúng ta xem đoạn này trước, bộ kinh này nói rất tường tận về tình huống trong lục đạo. Thế gian tương truyền có mười điện Diêm Vương, đích thực có việc này. Lúc trước tôi ở Đài Bắc, tổng cán sự của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, cư sĩ Giản Phong Văn nói với tôi, lúc ông tĩnh tọa, trong thiền định ông nhìn thấy rất nhiều lần, ông nói vua Diêm-la trong cõi quỷ, nhìn qua thì vị này không cao lắm, có lẽ chỉ cao một mét, vóc dáng cao như vậy, nhìn thấy rất rõ ràng. Còn chúng sanh trong cõi quỷ, rất nhiều người đích thân nhìn thấy, đặc biệt là ở bệnh viện, các bác sĩ, y tá trong bệnh viện họ đều rất tin những chuyện này, vì rất nhiều người đã từng gặp qua. Ở Đài Bắc có một bệnh viện Vinh Dân, trước kia tôi có vài bạn đồng học làm việc ở đó, họ nói với tôi họ từng đích thân trải qua. Họ nói, nếu như thấy đại quỷ Vô Thường xuất hiện trước cửa phòng người bệnh, trong tập tục của người Trung Quốc họ gọi là Bạch Vô Thường, Hắc Vô Thường; nếu như gặp thấy, nhìn thấy ở phòng người bệnh nào thì nhiều nhất là ba ngày họ sẽ mất. Cho nên, chúng ta nói đến chuyện quỷ thần trong nhà Phật, hầu như họ đều tin sâu không nghi. Chúng ta đối với lời dạy của đức Phật, trong kinh Đại thừa đức Phật nhiều lần nói rõ với chúng ta “Như Lai là người nói lời chân thật, nói đúng sự thật, không nói dối, không nói lừa gạt”, những gì nói đều là chân tướng sự thật. Tuy là chân tướng sự thật nhưng cũng không ra ngoài nguyên tắc này, những tướng này cũng không phải là chân thật, cũng giống như cõi người chúng ta. Những hiện tượng trước mắt chúng ta cũng không phải là chân thật, trong kinh nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn, bọt, bóng”. Nhưng những hiện tượng này nó tồn tại, có tướng không tánh, không có tự tánh, cho nên nói nó không tịch. Nhưng những hiện tượng này, nếu bạn không hiểu rõ, không sáng tỏ, bạn ở trong đây khởi phân biệt chấp trước thì bạn phải chịu khổ nạn, đây là điều nhất định không thể tránh khỏi. Nếu như bạn hiểu rõ ràng tường tận thì đối với những hiện tượng này không khởi phân biệt, không khởi chấp trước, vậy những hiện tượng này sẽ không chướng ngại, giống như trong kinh Hoa Nghiêm nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, bạn được tự tại trong đời sống. Nghĩa thú chân chánh của lời Phật dạy là ở chỗ này.

“Nhĩ thời” là lúc sau khi giảng xong phẩm Lợi Ích Kẻ Còn Người Mất. Vì trong phẩm trước nói cho chúng ta biết nên kỷ niệm như thế nào, giúp đỡ như thế nào đối với người đã mất, làm thế nào để siêu độ họ, để mang lại lợi ích chân thật cho người mất, bất luận họ đọa lạc vào cõi nào đều được lợi ích. Cho dù sanh đến cõi trời, cõi người hưởng phước, sự siêu bạt này cũng có thể tăng thêm phước báo cho họ, trong ác đạo có thể giúp họ siêu sanh. Từ địa ngục có thể siêu sanh đến cõi ngạ quỷ, lợi ích này kể ra cũng đã rất lớn rồi, nếu như có thể siêu sanh đến cõi người, cõi trời, thì phước đức đó càng lớn hơn. Thế nên, giữa các vua Diêm-la và những chuyện này có quan hệ rất mật thiết, sau khi nghe xong rất cảm động, họ đến tán thán. “Thiết Vi sơn nội”, phía trước đã nói đây là nơi mà người thế gian chúng ta gọi là Âm Tào Địa Phủ. Rốt cuộc Núi Thiết Vi ở đâu, con người chúng ta không nhìn thấy, trong kinh nói Thiết Vi, Tu-di, biển lớn đều là nơi mắt thịt chúng ta không nhìn thấy. Mới nghe qua cảm thấy hình như không thể nghĩ bàn, trên thực tế khoa học gia ngày nay đã chứng minh cho chúng ta, đây là vì thời gian và không gian khác nhau. Không gian chúng ta đang sống gọi là không gian ba chiều. Khoa học gia đã phát hiện không gian bốn chiều, nhưng phần nhiều chúng ta vẫn không cảm nhận được. Còn những không gian duy thứ cao hơn thì không phải là chỗ phàm phu chúng ta có thể lý giải. Thế nên tình hình trong lục đạo chính là thời gian và không gian khác nhau [mà thôi].

Trong đây có “vô lượng quỷ vương”, những quỷ vương này đều thuộc quyền cai quản của vua Diêm-la. Họ đều đến trời Đao Lợi, “lai đáo Phật sở”, đây là cùng Địa Tạng Bồ-tát đến tham dự pháp hội này. Từ chỗ này chúng ta có thể hiểu được đức Phật Thích-ca Mâu-ni ở trong hội nơi cung trời Đao Lợi này, đây là hội cuối cùng, pháp hội cuối cùng trước khi ngài nhập Niết-bàn. Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, pháp hội lần thứ nhất là mở ra trong thiền định, ở Bồ-đề Trường, chính là pháp hội Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là giảng trong định, phàm phu chúng ta chỉ thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni tĩnh tọa dưới cội Bồ-đề, không biết ngài ở nơi đó khai mở pháp hội lớn như vậy, trang nghiêm đến như vậy. Hội cuối cùng ở cung trời Đao Lợi, hội này cũng thù thắng vô cùng, quang cảnh thù thắng nói thật ra không thua gì hội kinh Hoa Nghiêm, chúng ta nhìn thấy trong phẩm tựa mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đều đến tham dự; bạn nghĩ xem hội này lớn biết bao, đây cũng là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Họ đến chỗ của Phật. Sau đây nêu ra tên gọi của quỷ vương, tổng cộng nêu ra ba mươi bốn vị:

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51