/ 51
263

 

 

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 20

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore

 

Mời mở kinh, quyển trung, trang 33, xem kinh văn bắt đầu từ hàng cuối:

Nhược hữu nữ nhân yếm nữ nhân thân, tận tâm cúng dường Địa Tạng Bồ-tát họa tượng, cập thổ thạch giao tất đồng thiết đẳng tượng. Như thị nhật nhật bất thoái, thường dĩ hoa hương, ẩm thực, y phục, tăng thải, tràng phan, tiền, bảo vật đẳng cúng dường.


Chúng ta đọc một mạch hết cũng được.

Thị thiện nữ nhân tận thử nhất báo nữ thân, bá thiên vạn kiếp cánh bất sanh hữu nữ nhân thế giới, hà huống phục thọ.

Đoạn này nói về chuyển thân nữ. Sự việc này, xã hội hiện nay cùng với xã hội trước đây không giống nhau, xã hội thời xưa ở Trung Quốc, ở Ấn Độ, có thể ở thế giới phương khác cũng giống như vậy, địa vị của phụ nữ trong xã hội tương đối thấp, đó gọi là nam nữ không bình đẳng. Nhưng ở xã hội hiện nay so với trước đây là không giống nhau. Thời quá khứ, trong kinh đức Phật nói thân người nữ có nhiều chướng ngại, phiền não nhiều hơn người nam, tình chấp nặng, thế nên đức Phật trong kinh Ngọc Da Nữ [1] nói người nữ có mười việc thường lo âu. Thứ nhất là khi sanh ra cha mẹ không vui, người mẹ sanh con trai thì rất vui, khi sanh con gái thì tâm vui mừng giảm bớt rất nhiều. Thứ hai, đây là trong xã hội thời xưa, cha mẹ quản giáo con gái rất nghiêm khắc[2], cho dù đã trưởng thành cũng không thể gặp mặt khách bên ngoài; khách bên ngoài, họ phải phân biệt trong họ và ngoài họ, đây là sợ gặp người lạ. Kế đến là khi lấy chồng, cha mẹ lại lo lắng thêm, phải rời xa cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, điều này trong Phật pháp gọi là “ái biệt ly khổ”. Gả đi rồi thì lúc nào cũng phải để ý người chồng, xem sắc mặt của người trong nhà, có rất nhiều chướng ngại. Khi còn nhỏ thì bị cha mẹ quản thúc, gả đi rồi thì bị chồng quản thúc, đến già thì bị con cháu quản thúc, rất nhiều nỗi khổ, thế nên không muốn làm thân nữ. Quan niệm hiện nay lại khác với thời xưa, chúng ta biết rõ những việc này. Nhưng trong đây có một việc quan trọng nhất, là nói cho chúng ta biết nghiệp lực có thể chuyển biến, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ngay cả thân hình cũng có thể chuyển biến, huống hồ nói về dung mạo, thể chất của thân thể, đương nhiên lại càng dễ đạt được hơn, phải hiểu được đạo lý này. Những gì nói trong đây không ra ngoài một nguyên lý: “Cảnh tùy tâm chuyển”, tâm có thể chuyển cảnh, chúng ta hiểu được đạo lý này thì rất tốt.

Còn phương pháp chuyển đổi, chỗ này nói: “Nếu có người nữ nào chán ghét thân nữ”, trong đoạn sau có nói: “Người thiện nữ này”, do đó có thể biết người nữ nói phía trước phải là “người nữ thiện”, [đoạn trước] đã lược bớt một chữ [thiện]. Chữ này quan trọng vô cùng! Chúng ta coi đoạn sau thì sẽ hiểu được đoạn này, người nữ này phải là người thiện. Người nữ thiện nhất định phải phụng hành Tam phước được nói trong Quán Kinh, nhất định phải ghi nhớ điểm này. Kinh này là kinh Đại thừa, Những gì được nói trong Tam phước mười một câu đều phải có thể làm được, làm được đến mức độ nào thì hãy khoan nói. Chỉ cần bạn làm được một phần, hai phần cũng gọi là người nữ thiện, không làm thì không được, nhất định phải làm. Người ấy có nền tảng này, sau đó y theo phương pháp và lý luận này để tu học thì sẽ được quả báo. “Tận tâm”, chữ này là mấu chốt trong phương pháp tu hành, nhất định phải tận tâm. Tận tâm chính là dùng tâm thành kính nhất, tâm chân thật nhất để tu cúng dường; cúng dường hình tượng của Địa Tạng Bồ-tát, hình tượng này là hình vẽ cũng được, hình tượng đắp nặn cũng được, đúc bằng vàng, bạc, đồng, sắt cũng được. Ở đây nói, chỉ cần cúng dường hình tượng Địa Tạng Bồ-tát, kinh văn phía sau cũng là ý này. Cúng dường “ngày ngày không lui sụt”, có thể thấy đây là phát tâm lâu dài.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51