/ 51
137

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 18

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore


Xin mời mở kinh, Khoa Chú, quyển trung, trang 25.


PHẨM THỨ 6: NHƯ LAI TÁN THÁN

Mời xem kinh văn.


Nhĩ thời Thế Tôn cử thân phóng đại quang minh, biến chiếu bá thiên vạn ức Hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới, xuất đại âm thanh phổ cáo chư Phật thế giới nhất thiết chư Bồ-tát Ma Ha Tát, cập thiên long quỷ thần nhân phi nhân đẳng. Thính ngô kim nhật xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ-tát Ma Ha Tát, ư thập phương thế giới hiện đại bất khả tư nghị oai thần từ bi chi lực, cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự.

Đến đây là một đoạn. Đoạn kinh phía trước đã giới thiệu Địa Tạng Bồ-tát cho chúng ta, Địa Tạng Bồ-tát là vị giáo chủ có thể giáo hóa, ngày nay chúng ta gọi là Đạo sư, ngài là vị Đạo sư có năng lực, có trí tuệ hướng dẫn chúng ta thoát ly khổ nạn. Cũng nói rõ đối tượng của Bồ-tát giáo hóa độ thoát, Ngài có thể độ chúng sanh trong địa ngục, là việc vô cùng khó được, điểm này chúng ta phải đặc biệt tỉ mỉ mà thể hội. Trong hết thảy chúng sanh, căn tánh thấp nhất, tạo ác nghiệp sâu nặng nhất không gì hơn chúng sanh trong địa ngục. Ngài có năng lực độ thoát chúng sanh trong địa ngục, thì những chúng sanh khác khỏi phải nói, chúng sanh khác đều dễ độ hơn, vì khó độ nhất ngài cũng có thể độ. Do đó có thể biết, vị Bồ-tát này đích thực không thể nghĩ bàn. Từ đoạn kinh văn phía trước chúng ta có thể hiểu được, Ngài đích thực có năng lực phổ độ hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, cùng với trí tuệ đức năng của quả địa Như Lai không hai không khác. Cho nên, sau khi giới thiệu xong, Thế Tôn ở chỗ này đặc biệt tán thán Ngài. Dụng ý của sự tán thán này rất sâu, rất rộng, mục đích chính là muốn chư đại Bồ-tát ở mười phương thế giới phải ủng hộ Địa Tạng Bồ-tát, toàn tâm toàn lực giúp đỡ Địa Tạng Bồ-tát độ thoát những chúng sanh đang chịu khổ nạn. Ý nghĩa chính là nói, nhất định phải tuyên dương bộ kinh này, tán thán công đức phổ độ hết thảy chúng sanh của Bồ-tát, mục đích là ở chỗ này.

Kinh văn vừa mở đầu: “Toàn thân phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp đến trăm nghìn muôn ức hằng hà sa thế giới của chư Phật”, câu này nói rõ Thế Tôn phóng hào quang chiếu khắp cả tận hư không, khắp pháp giới, không sót một nơi nào, bất cứ một nơi nào ánh sáng của Phật cũng đã từng chiếu đến. Cảnh giới này cùng với những gì trong kinh Hoa Nghiêm nói là hoàn toàn giống nhau. “Toàn thân”, đặc biệt chú trọng ở chữ “thân”, thân là sắc tướng, ánh sáng là từ thân tướng này phóng ra. Ánh sáng này là quang minh của tâm tánh, tự tánh vốn sẵn có quang minh Bát-nhã. Phía trước đã nói qua với chư vị, làn sóng ánh sáng này vô cùng đặc biệt, bởi vì cường độ của nó là bình đẳng, trong một sát-na liền biến khắp hư không pháp giới, không giống như ánh sáng của mặt trăng, mặt trời mà mắt thịt chúng ta nhìn thấy, tốc độ của những ánh sáng này rất chậm. Chúng ta nghe thấy nhà khoa học báo cáo, có rất nhiều ngôi sao, khi ánh sáng của nó phát ra truyền đến Trái Đất chúng ta phải mất rất nhiều năm, mấy trăm năm ánh sáng, mấy ngàn năm ánh sáng, mấy vạn năm ánh sáng, phải trải qua thời gian dài như vậy mới đến được. Hào quang của Phật vừa phóng ra liền đến tận hư không, khắp pháp giới, cho nên hoàn toàn khác với những ánh sáng thường.

“Toàn thân” chính là mỗi chỗ trên thân thể đều phóng quang, tiêu biểu cho “vầng mây sáng Đại Viên Mãn” giảng ở phía trước, đây là ánh sáng viên mãn; ở trong ánh sáng viên mãn đã hàm nhiếp vô lượng pháp môn mà Bồ-tát đã tu trong nhân địa, viên mãn công đức ở trên quả địa của chư Phật Như Lai đã chứng được, đều hiển thị toàn bộ ở trong tướng hào quang này, cho nên đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Hiển thị ra thân Phật biến khắp pháp giới, hiển thị “tam thân nhất thể”: Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân, một chính là ba, ba chính là một. Không những hiển thị ba thân là một, đồng thời cũng hiển thị ra y báo, chánh báo không hai. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt, chánh báo là thân thể này, y chính là chánh, chánh chính là y, y và chánh không hai. Nếu như chúng sanh có duyên gặp được Phật quang, cái gì gọi là duyên? Những người nào có duyên? Những người nào vô duyên? Có duyên là tự mình không có chướng ngại, thì sẽ nhìn thấy quang minh này. Vô duyên là tự mình có chướng ngại, không phải là Phật quang không chiếu soi. Chư vị đồng tu phải biết Phật quang chiếu khắp, tại sao chúng ta lại không nhìn thấy? Nguyên nhân không nhìn thấy là vì chính mình có nghiệp chướng.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51