/ 51
191

 

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 16

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học Hội Singapore


Mời mở Khoa Chú, quyển trung, trang số bốn, kinh văn hàng thứ hai:


Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh Đại A-tỳ.

Hôm qua đã giới thiệu đến chỗ này, ý nghĩa ở trong đây rất sâu, rất rộng, nói rõ thì thật ra nói không hết. Nhưng chúng ta cần phải hiểu được những chỗ quan trọng, nguyên nhân tạo thành địa ngục là gì, tại sao phải chịu những quả khổ trong ấy? Điểm này vô cùng quan trọng, Trong kinh Địa Tạng Thập Luân nói “tội Ngũ nghịch” là cực ác, phía sau sẽ nói tường tận về tội Ngũ Nghịch.

Đây là “giết cha, giết mẹ”, ân đức của cha mẹ quá lớn, sinh mạng của chúng ta có được từ nơi cha mẹ. Nếu như chúng ta có thể quán sát kỹ càng, cha mẹ chăm sóc cho con thơ thì cẩn thận vô cùng, từ lúc sơ sanh đến ba tuổi, người con lúc nào cũng bên cạnh người mẹ, từng giây từng phút nhận được sự quan tâm, bảo bọc của người mẹ, nên mới không dẫn đến tổn thương tính mạng. Còn người cha, hiện nay trách nhiệm của người làm cha đối với con cái không bằng người thời xưa. Thời xưa người làm cha không những phải dạy lúc trẻ còn nhỏ, dạy lúc còn sơ sinh, mà lúc mẹ mang thai là phải dạy rồi, đó là “thai giáo”, như vậy mới làm tròn trách nhiệm của người làm cha. Thế nên ân đức to lớn của cha mẹ, trong thế pháp không có gì sánh bằng. Không biết ân đức thì không biết báo ân, vậy mà còn sát hại, tội này cực nặng, đọa “Cực Vô Gián”, đọa “Đại A-tỳ”.

Tội nghiệp thứ hai là “giết A-la-hán”, A-la-hán là thánh nhân tu hành chứng quả, là mô phạm cho trời và người, làm phước điền chân chánh cho thế gian, nơi ngài ở là nơi để cho hết thảy chúng sanh trồng phước. Nếu bạn giết A-la-hán thì chính là đã hủy hoại mất phước điền của chúng sanh, những người ở vùng đó sẽ không có phước báo, thế nên tội này rất nặng. Cho nên giết A-la-hán không phải kết tội với một vị A-la-hán, không phải kết tội với vị đó mà chính là kết tội với những chúng sanh ở địa phương đó, đây là tội rất nặng. Thế gian hiện nay không có A-la-hán? Chúng ta tin tưởng chắc chắn cũng có A-la-hán “ứng chân”. Hóa thân của Phật, Bồ-tát trong thế gian cũng rất nhiều, sao có thể nói không có A-la-hán? Nhưng phàm phu chúng ta không biết được, bạn muốn tìm A-la-hán để giết cũng tìm không ra. Tuy vậy có tội tương đương, tương đương nghĩa là tội ngang bằng với tội giết A-la-hán, tội ngang bằng này là tội giết ai? Thiện tri thức. Người có đức hạnh, có học vấn, lại có thể từ bi giáo hóa chúng sanh ở địa phương đó, giết hại người như vậy thì cũng giống như giết hại A-la-hán, tội này rất nặng. Không những không được giết hại, ngay cả tội hủy báng cũng không nhẹ, đây là việc chúng ta nhất định phải biết rõ. Nhưng thế gian có một số người vô tri, cố ý hoặc vô ý sinh ra hủy báng những vị thiện tri thức. Vô ý là không biết, cố ý tức là có dụng tâm; cố ý, trong đó đố kỵ chiếm phần lớn. Hiện nay còn có một số người có những sách lược làm thế nào nâng cao thân phận của mình trong xã hội, nâng cao mức độ nổi tiếng của mình, nâng cao danh vọng của mình, dùng phương pháp gì? Họ phê phán, bài bác người có tiếng tăm, được nhiều người kính ngưỡng ở địa phương đó, xong rồi họ liền nổi tiếng. Đây là cố ý, tạo các tội nghiệp này đều là tội nghiệp địa ngục Vô Gián, A-tỳ. Đây là tâm tà ác cùng cực, họ không sợ nhân quả báo ứng, chỉ vì danh lợi trước mắt, một chút lợi ích trước mắt mà dám tạo ra loại tội nghiệp cực nặng này, đây là nghiệp nhân của địa ngục Vô Gián.

Tội nghiệp thứ ba là “làm cho thân Phật ra máu”. Hiện nay Phật không còn tại thế, nhưng cũng có tội tương đương, đó chính là dùng ác tâm phá hoại hình tượng của Phật, bất luận là tượng làm bằng xi măng, khắc bằng gỗ, hoặc đúc bằng kim loại, hoặc là tranh vẽ, vẽ những hình tượng của Phật, Bồ-tát, là dùng tâm sân hận phá hoại, tội này chính là tội Ngũ Nghịch. Nếu như nói vô ý làm, vô ý làm tổn hại thì đây là lỗi, không phải là tội, vậy thì còn nhẹ. Nếu là lỗi do vô ý thì sám hối được! Có thể sám hối, nếu là ác ý thì không thể sám hối.

Tội sau cùng “Phá hòa hợp tăng”, tức là phá hoại Tăng đoàn. Tăng đoàn hòa hợp thật ra thì rất khó gặp được, ở đây cũng có tội tương đương. Phá hoại tín ngưỡng của người khác, phá hoại tâm nguyện của người khác, phá hoại sự tu học của người khác cũng bằng với tội phá hòa hợp tăng; tội này cũng vô cùng, vô cùng nặng, chúng ta không thể không biết. Trong ấy cũng có vô ý và cố ý, nhất định phải biết chỗ khác nhau. Cố ý là ác ý, vô ý là không hiểu rõ thấu triệt những lý luận, chân tướng sự thật này. Thí dụ như trong kinh thường nói đến “tự tán hủy tha”, tự mình tán thán pháp môn tu học của mình, còn những pháp môn tu học khác với mình thì mặc tình hủy báng, cũng là tội nghiệp loại này. Hiện nay ở khá nhiều nơi trong thế gian chúng ta nghe nói có một số người tạo tác tội nghiệp này, tạo ra những tội nghiệp như vậy. Chúng ta nhất định phải hiểu: Phật, Bồ-tát thuyết pháp là ứng cơ mà thuyết, cho nên Phật pháp không có định pháp. Kinh Bát-nhã nói rất rõ ràng: “Phật không những không có định pháp để nói, ngài cũng không có pháp để nói”. Thậm chí nói đến chỗ tột cùng, nếu như có người nói Phật thuyết pháp chính là báng Phật.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51