ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 12
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Xin mời mở kinh văn. Hôm qua nói đến đoạn Thế Tôn bảo Định Tự Tại Vương Bồ Tát, đã nói hết đoạn công án của cô Quang Mục. Tiếp theo đó Phật nói với chúng ta về lợi ích của việc nghe danh cúng dường, thuật lại trong kiếp quá khứ xa xưa Địa Tạng Bồ Tát từ mẫn như vậy, lũy kiếp phát nguyện giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn.
Vị lai thế trung nhược hữu nam tử nữ nhân.
Kẻ nam, người nữ, phía trước không thêm chữ thiện, đây là chỉ người thông thường.
Bất hành thiện giả, hành ác giả.
Những kẻ nam, người nữ này không làm lành mà làm ác.
Nãi chí bất tín nhân quả giả, tà dâm vọng ngữ giả, lưỡng thiệt ác khẩu giả, hủy báng Đại thừa giả, như thị chư nghiệp chúng sanh tất đọa ác thú.
Đây là lời dạy rất khẳng định, trong các ác nghiệp, bốn thứ này là tội nghiệp cực nặng. Không tin nhân quả nên họ mặc sức làm xằng làm bậy, họ không tin có báo ứng. Điều này trong thế gian gọi là “tác oai tác quái”, không chịu tha thứ cho người khác, họ không biết được sau này quả báo không thể tưởng tượng nổi. “Tà dâm, nói dối, nói lời li gián, nói lời thô ác”. Tà dâm, trong kinh đức Phật giảng về việc này rất nhiều, trong pháp thế gian cũng có nói “dâm đứng đầu muôn điều ác”, hầu như tất cả tội nghiệp đều phát sanh từ đây. Chúng ta xem thử xã hội ngày nay tại sao lại có động loạn lớn đến như vậy? Phật nói về bốn nguyên nhân này, chúng ta vừa nhìn liền hiểu ngay. Hiện nay người đời có mấy người tin nhân duyên quả báo? Bao nhiêu người biết tà dâm, nói dối, nói lời li gián, nói lời thô ác là căn nguyên của hết thảy tai họa trong xã hội, ai biết được? Đặc biệt là Phật pháp Đại thừa, đối với Phật pháp Đại thừa, đừng nói chi Đại thừa, [chỉ nói đến] Tiểu thừa thôi, những Phật pháp thông thường cũng không thể nhận thức rõ ràng, bèn nói đó là mê tín, đây chính là hủy báng. Gán vào hai chữ “mê tín” liền làm cho rất nhiều chúng sanh đoạn tuyệt cơ duyên nghe pháp, huống hồ những chuyện quá đáng hơn nữa! Người tạo những tội nghiệp này rất nhiều, quả báo còn chưa hiện thì hoa báo đã hiện tiền, hoa báo chính là xã hội ngày nay của chúng ta động loạn, tai nạn dồn dập, thiên tai nhân họa, khổ không nói nổi. Tạo tội cực nặng này, ở đây đức Phật nói: “Nhất định đọa ác thú”, ác thú là địa ngục, địa ngục A-tỳ khổ đến cùng cực, không hề gián đoạn. Phía sau nói rõ:
Nhược ngộ thiện tri thức.
Chữ “thiện tri”, nói rõ “tri” không phải là cảm tình, tri là lý tánh, thật sự có trí tuệ; đối với hết thảy đạo lý, vạn sự vạn pháp trong vũ trụ họ chân thật thông đạt, nhận thức hiện tượng và tác dụng rất rõ ràng, như vậy thì gọi là thiện tri thức. Gặp thiện tri thức giảng giải cho bạn, sau khi nghe xong bạn hiểu rõ, giác ngộ.
Khuyến lịnh nhất đàn chỉ gian.
Một “khảy móng tay”, hình dung thời gian rất ngắn.
Quy y Địa Tạng Bồ Tát.
Hai chữ “quy y” cực kỳ quan trọng, không phải là quy y trên hình thức, quy y trên hình thức thì không có lợi ích gì, chỉ có hình thức nhưng không thành tâm thì đâu có lợi ích gì! Tại sao có hình thức mà không có thành ý, tâm phát không được? Đối với sự lý chưa có thấu triệt. Đương nhiên đây là vấn đề của thiện tri thức, tri thức vẫn chưa đủ, phải là thiện tri thức. Có thể đem đạo lý của quy y, sự tướng của quy y, công đức lợi ích chân thật của quy y, hết thảy đều giảng cho rõ ràng, giảng cho sáng tỏ. Quy là quay về, y là nương tựa, nương tựa ai? Nương tựa Địa Tạng Bồ Tát. Địa là gì? Là tánh địa, là tâm tánh. Tạng là gì? Là vô tận trí tuệ, công đức, đức tướng có trong tự tánh, đây là Địa Tạng. Nếu như bạn nhìn thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát rồi bạn cứ cho rằng bạn quy y hình tượng ấy, đó là như trong nhà Phật thường nói: “Bồ Tát bằng đất qua sông, tự thân còn khó giữ được”. Đó là hình tượng, giúp cho bạn khi nhìn thấy hình tượng này liền có thể thông hiểu, biết được đây là kho báu của tâm địa, chúng ta phải nương tựa vào cái này, nương tựa tánh đức, vậy thì bạn đã chân chánh quy y. Kho báu trong tâm địa, trong tâm tánh đầy đủ công đức viên mãn chúng ta không biết được, ở chỗ nào vậy? Bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện này chính là Thế Tôn khai hiển kho báu trong tự tánh cho chúng ta, chúng ta mới có được nơi nương tựa chân chánh. Quy y Địa Tạng Bồ Tát chính là y theo lý luận phương pháp, cảnh giới trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện để tu học, như vậy mới gọi là quy y. Lúc trước quan niệm, ngôn ngữ, hành vi của chúng ta trái nghịch với những lời dạy trong kinh này thì hãy mau mau quay đầu lại, y theo lời dạy trong kinh điển sửa đổi trở lại cho đúng thì chính là y, từ chỗ sai lầm quay trở lại chính là quy; y theo kinh điển, từng việc từng việc đem nó sửa lại cho đúng thì gọi là y. Quy y chính là tu hành chân chánh. Có thể làm được như vậy, đức Phật nói: