ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 39
Chúng ta tiếp tục xem chương “Gần người hiền”, thân cận người nhân đức. Bài trước chúng ta có nói đến chữ “nhân” là chữ hội ý, gồm hai chữ người. Vậy đó là hai người nào? Có thể nghĩ đến mình và cũng có thể nghĩ đến người khác, đây chính là thái độ: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác” và “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (mình muốn có thành tích thì cũng mong người khác có thành tích, mình muốn làm điều hay thì cũng mong người khác làm điều hay). Nói rõ hơn một chút là mình luôn luôn biết nghĩ cho người khác.
Muốn biết một người có nhân đức hay không, chúng ta từ một số góc độ có thể thấy được. Thứ nhất là phải có tâm nhân hậu, thứ hai là luôn luôn khiêm tốn, thứ ba là có thể lấy mình làm gương.
Thứ nhất, phải có tâm nhân hậu. Khi chúng tôi tổ chức diễn giảng ở Bắc Kinh, lúc đó cô giáo Dương phải đến Sơn Đông giải quyết một số việc nên phải ngồi xe thâu đêm mấy tiếng đồng hồ, đến khoảng tám, chín giờ thì cô về tới Bắc Kinh. Khi đó chúng tôi đang tổ chức lớp bồi dưỡng năm ngày, cô giáo Dương cũng không nghỉ ngơi liền đến khách sạn nơi chúng tôi tổ chức để gặp mọi người. Lúc đó có gặp một số học viên, cô liền nói với họ rằng: “Nếu như chúng tôi giảng bài không được tốt thì quý vị nhất định phải chỉ ra khuyết điểm giúp chúng tôi”. Điều thứ hai là cô hỏi những học viên này rằng: “Nếu quý vị ăn không được ngon, ngủ không được tốt thì nhất định phải phản ánh với chúng tôi, nhất định phải nói cho chúng tôi biết. Nếu không, chúng tôi tiếp đãi sẽ không được chu đáo”. Điều thứ ba cô nói với các học viên rằng: “Đi học thế này rất vất vả, cho nên mọi người phải nghỉ ngơi nhiều một chút”. Đi học có vất vả hay không? Vất vả! Cho nên hôm nay quý vị cũng phải nghỉ ngơi nhiều một chút. Cô giáo Dương quả thật là luôn luôn nghĩ cho người khác!
Có một lần cô giáo Dương đến Hải Khẩu. Tôi đi bộ cùng cô trên đường thì nhìn thấy một bà cụ đẩy xe hoa quả đi bán. Cô liền dẫn tôi đến mua chuối của bà cụ. Cô chọn những quả đã bị dập, sắp hỏng để mua. Khi “tâm có nghi” thì phải hỏi, cho nên tôi đã hỏi cô rằng: “Cô giáo à! Sao cô lại mua những quả không còn ngon này vậy?”. Cô liền nói: “Những quả này không còn ngon nữa, nếu như không có người mua thì sẽ hỏng hết. Bởi vì chúng ta mua về ăn liền nên hãy mau mua chúng”. Thực ra cô không muốn mua trái cây, nhưng khi nhìn thấy bà lão già cả như vậy thì cô đã đến mua giúp bà. Hơn nữa, cô cũng vì quý tiếc những thực phẩm này, không muốn chúng bị lãng phí. Qua đây chúng ta có thể quan sát được tấm lòng nhân hậu của cô.
Thứ hai là tâm khiêm tốn. Chúng ta thấy cây lúa nào càng cho nhiều hạt thì nó càng cúi xuống thấp. Trăm sông đều đổ ra biển, nhưng vị trí của biển lại thấp hơn so với trăm sông. Khổng Phu Tử cả đời giáo hóa nhiều học trò như vậy, nhưng Ngài lại nói rằng cả đời Ngài chỉ “thuật nhi bất tác” (thuật lại học thuyết của người xưa chứ không sáng tác). Điều này thể hiện rằng Khổng Phu Tử rất khiêm tốn. Ngài thường nói: “Những đạo lý mà ta giảng giải đều là do cổ Thánh tiên Vương ngày xưa, đều là do Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, Văn Võ Chu Công truyền lại”. Ngài vô cùng khiêm tốn! Duy chỉ có khiêm tốn mới có thể tương ưng với đạo đức. Cho nên chúng ta có thể lấy điều thứ hai là khiêm tốn để xem xét một người nhân đức.
Về điểm này, khi tôi ở Úc cũng có học được, bởi vì chú Lư ngồi bên cạnh tôi khoảng một - hai tuần nhưng lúc đó tôi vẫn chưa biết rõ chân tướng, chưa hiểu rõ về chú. Sau này, may mà tôi đã học được câu “việc chú bác, như việc cha” nên tôi mới biết chủ động cúi chào chú: “Con chào chú Lư ạ!”. Nếu không thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội trước mặt rồi, có thể tôi bây giờ sẽ kém cỏi hơn rất nhiều. Cũng từ việc này chúng ta mới hiểu được rằng, người chân thật có đức hạnh là người giản dị, dễ gần và vô cùng khiêm tốn. Cho nên sau này nếu như tôi có gia nhập vào tập thể mới thì tôi tuyệt đối cũng không dễ bị người khác đánh lừa. Đại đa số những người trẻ tuổi nghe một số người nói ba hoa rằng họ quen thân với vị quan chức nào đó, nhà của họ có bao nhiêu tài sản, sự nghiệp to lớn như thế nào v.v.... thì sẽ nghĩ: “Ồ, sao mà giỏi thế!”. Rất có thể họ sẽ bị dẫn dắt vào con đường sai lầm. Như vậy, một người có nhân đức là phải khiêm nhường.