/ 40
431

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 33

Khóa học trong mấy ngày này của chúng ta đều nói đến việc thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Chúng ta cũng phải đặc biệt cẩn thận đến rất nhiều chi tiết nhỏ khi chung sống với người khác, chúng ta phải hết sức cung kính. Cho nên ông bà chúng ta có một câu châm ngôn nói rằng: “Thanh thiên bạch nhật đích khí tiết, tự án thất ốc lậu trung bồi lai; hoàn càn chuyển khôn đích kinh luận, tự lâm thâm lý bạc xứ đắc lực”. Ý câu này nói với chúng ta rằng, khí tiết hết sức trong sạch của một người được bắt đầu bồi dưỡng từ việc khi họ ở một mình, khi họ ở những nơi mà người khác không nhìn thấy, nhưng lời nói và việc làm của họ đều như nhau, từ đó mới có thể bồi dưỡng ra khí tiết như vậy. Vì vậy, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng là đại học vấn.  

“Hoàn càn chuyển khôn” nghĩa là năng lực có thể xoay chuyển càn khôn, từ đâu bắt đầu cắm rễ? Từ “lâm thâm lý bạc”, từ việc họ đối diện với mỗi một người, mỗi một sự vật đều có thể cung kính, đều có thể cẩn thận đối đãi, thì họ mới có thể làm được việc đại sự về sau. Bởi vì những thái độ cẩn thận này của họ đã được tích lũy lại từng chút, từng chút một.

“Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có câu: “Khuất chí lão thành, cấp tắc khả tương y” (cung kính quy phục bậc lão thành thì lúc nguy cấp có thể nương tựa). Cho nên, đối với những việc nhỏ, họ lúc nào cũng hết sức cẩn thận thì mới có thể thật sự làm tốt những việc lớn quan trọng. Nếu như ngay cả những việc nhỏ này mà họ cũng không dụng tâm, rất có thể khi thật sự tiếp nhận một việc trọng đại nào đó thì rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh, thậm chí mọi việc có thể sẽ loạn cả lên. Vì vậy, chúng ta là người làm cha mẹ, đối với những chi tiết nhỏ cũng phải thường xuyên nhắc nhở con cái từ khi chúng còn nhỏ. Bản thân chúng ta cũng phải thường xuyên quán chiếu chính mình từ khởi tâm động niệm đối với từng việc nhỏ, tiến thêm bước nữa là thay đổi, sửa chữa ngay lúc đó.

Ngày hôm qua chúng ta đã nói đến “chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng. Nếu quần áo, hoặc ăn uống, không bằng người, không nên buồn”. Nếp sống xã hội hiện tại tương đối phù phiếm, con người tương đối tôn sùng hưởng thụ vật chất. Rất nhiều người mặc dù rất nghèo, có khi còn không có cơm để ăn, có thể vợ con ở nhà đều đang đói, nhưng quần áo thì phải mua sắm thật đẹp, bởi vì họ phải mặc cho người khác xem. Đó gọi là “tát cho sưng má để giả làm béo”. Kỳ thực thái độ nhân sinh như vậy là quá hư ngụy, quá giả tạo.

Người mà họ thật sự tôn trọng bạn từ tận đáy lòng thì tuyệt đối không phải bởi vì trong túi bạn có rất nhiều tiền. Có phải như vậy không? Tuyệt đối không phải vậy. Khi trong túi của bạn có rất nhiều tiền mà họ đối với bạn rất lễ phép, đó là lễ phép đối với ai? Họ lễ phép đối với tiền của bạn. Đợi đến khi tiền của bạn đưa hết cho họ rồi thì lúc đó thái độ của họ đối với bạn có thể lập tức thay đổi. Cho nên mới nói: Kết giao của quân tử nhạt như nước, kết giao của tiểu nhân ngọt như mật”. Vì sao mà giao tình của tiểu nhân lại ngọt như mật? Bởi vì họ có mục đích, cho nên họ dồn hết khả năng để nịnh hót, bợ đỡ bạn. Rất nhiều người ở trong tình cảnh này còn tưởng rằng những người ấy xem trọng họ, tôn trọng họ, cuối cùng có thể họ sẽ trúng phải quỷ kế của kẻ tiểu nhân. Vậy vì sao mà giao tình của quân tử lại nhạt như nước? Bởi vì bậc quân tử lấy đức hạnh để kết giao với bằng hữu, cho nên trong quá trình qua lại dù nhạt nhưng có mùi vị chân thật, chứ tuyệt đối không phải là việc ngày ngày cứ theo bên bạn. Bởi vì đôi bên đều biết rất rõ là chúng ta đều có trách nhiệm của người làm con, có trách nhiệm của bề tôi, có chức trách của một người chồng, người vợ. Mỗi một người đều có rất nhiều bổn phận phải tận tâm tận lực đi làm, thì làm sao có thể cả ngày cứ theo bên cạnh bạn được. Họ nhất định sẽ nói: Đã hơn tám giờ rồi, không phải anh còn phải về kể chuyện đạo đức cho con anh nghe sao? Nhanh về nhà đi!”. Cho nên nói: “Trong vị nhạt lại có mùi vị chân thật”. Trong sự nhạt ấy có sự quan tâm lẫn nhau, thông cảm lẫn nhau.

Thật sự là dù vật chất dồi dào nhưng điều đó cũng không thể khiến bạn được người khác tôn trọng. Thậm chí là vì để theo đuổi vật chất mà có khi lại khiến cho chính mình rơi vào hố sâu không đáy. Cho nên có câu: Dục vọng là vực thẳm.

/ 40