ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 31
4.3 Kinh văn:
“Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác”.
“Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”.
“Việc không tốt, chớ dễ nhận”. Bây giờ hiện tượng “dễ nhận” có nhiều không? Khi một người trong lúc đang vui thì không nên tùy tiện hứa cho người khác đồ vật, vì nếu không thực hiện được sẽ mất uy tín với người khác. Khi người lớn đang vui vẻ thì con cái lập tức quan sát thái độ của người lớn để đòi thứ chúng muốn. Quý vị lập tức nói: “Được! Được!”, sau đó thì hối hận. Người lớn thường hay phạm sai lầm này.
Quý vị xem, lúc nào thì người lớn dễ dàng đồng ý với con cái nhất? “Lúc con cái thi được điểm cao”. Câu trả lời này rất đúng, rất chân thật. Khi con cái thi cử làm bài tốt, chúng có thể đòi thứ chúng thích. Cho nên con cái đi học mục đích là gì? Vô hình trung khi chúng ta hứa cho con món đồ gì là đã nuôi lớn tâm hư vinh của chúng, đã làm cho mục đích học tập của chúng bị sai lệch.
Hiện nay, học sinh tiểu học thi làm bài rất tốt thì được ăn kem. Lên học trung học cơ sở thi điểm tốt thì mua cho xe đạp. Lên trung học phổ thông thi tốt thì có thể đàm phán, chúng có thể lựa chọn: “Con muốn máy nghe nhạc mp3 hay muốn thứ gì?”. Tất cả động lực của chúng đều ở những thứ này.
Tại vì sao có rất nhiều cha mẹ bị con cái đuổi ra khỏi nhà? Bởi vì chúng cảm thấy những thứ chúng muốn quý vị đã đáp ứng đầy đủ cho chúng rồi. Vì vậy, khi thói quen đòi hỏi đồ vật được hình thành thì dục vọng của con cái sẽ mỗi ngày mỗi lớn dần lên. Ham muốn là vực thẳm. Từ nhỏ lòng ham muốn của con trẻ đã được mở ra thì có đóng lại được không? Từ cần kiệm đến xa xỉ thì dễ, nhưng từ xa xỉ trở về cần kiệm thì rất khó. Cho nên con cái đã có thói quen muốn gì được nấy rồi, nếu một ngày nào đó quý vị không đáp ứng cho chúng thì chúng sẽ như thế nào? Chúng tôi cũng nghe rất nhiều đứa con mới học trung học cơ sở đã đánh mẹ, mẹ không cho tiền thì chúng đánh. Đến lúc đó cha mẹ có kêu trời thì trời cũng không thấu, gọi đất thì đất cũng không thưa. Cha mẹ dễ nhận lời đều là do quá nuông chiều con cái.
Có một vụ án hình sự. Một thanh niên lúc còn nhỏ được cha cho rất nhiều tiền, nên thanh niên này đã có thói quen tiêu tiền. Một tháng anh ta tiêu hết một - hai chục ngàn Nhân Dân Tệ, tiêu tiền không tiếc tay. Có một hôm, cha của anh chịu không nổi, liền nói: “Cha không cho con tiền nữa”, rồi sắp xếp cho anh ta đi nhập ngũ. Sau hai năm đi làm nghĩa vụ quân sự trở về thì thói quen đó có thay đổi không? Rất khó. Thật sự khi đã nhiễm thói quen xa xỉ, ưa thích hư vinh, chỉ cần anh ta rơi vào hoàn cảnh như vậy thì sẽ không chịu nổi, còn phải cố gắng để giữ thể diện. Có câu nói rằng: “Tát cho sưng má để người ta nghĩ mình béo”. Vì vậy, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về anh ta cũng không thay đổi gì, vẫn y như cũ. Cha của anh ấy nói thẳng với anh rằng: “Cha không cho con tiền nữa”. Cuối cùng người thanh niên này đã thuê sát thủ giết cha mẹ của mình. Trước cổng nhà, anh ta nói với tên sát thủ: “Đợi chút nữa sẽ có người cao cỡ này đi ra”. Anh ta kể đường đi nước bước rất rõ ràng. Tên sát thủ liền hỏi anh ta: “Người đó là ai vậy?”. Anh ta nói: “Là cha của tôi”. Thế là cha của anh ta bị giết. Bởi vì chìa khóa tủ tiền đang nằm trong tay của mẹ anh ta, nên anh ta cũng giết luôn người mẹ.
Chuyện giết cha giết mẹ như vậy hiện nay không còn hiếm nữa. Nguyên nhân là do đâu? Là do trọng lợi, khinh nghĩa. Cái lợi này không ngừng được nâng nên thì trở thành dục vọng, biến thành con quỷ khống chế hành vi của người đó, khiến cho họ muốn thoát ra cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy chúng ta cần phải cẩn thận, “việc không tốt, chớ dễ nhận”, không nên trưởng dưỡng thói xa hoa cho con cái.
Có một đứa bé nhìn thấy người mẹ nấu một số món ăn nó không thích liền nổi giận không chịu ăn. Thông thường người mẹ sẽ như thế nào? Đi đến dỗ dành chúng ba bốn lần rồi còn nói: “Con ăn đi, thứ bảy này mẹ dẫn con đi ăn McDonald's”. Nghe nói như vậy, đứa trẻ vốn không ăn miếng nào lập tức ăn ngay. Bởi vì khi chúng ta không có nguyên tắc, con cái hiểu rất rõ nội tâm của chúng ta, chúng biết chỉ cần dùng thái độ gì thì người lớn sẽ chiều theo chúng. Tình huống như vậy thật rắc rối. Cho nên khi đứa bé này không ăn cơm thì cha của nó không nói lời nào, vẫn tiếp tục ăn. Người vợ thì đến dỗ đứa con, còn người chồng vốn nhạy bén trong việc giáo dục thì lập tức dùng ánh mắt ra ám hiệu với người vợ: “Em đi đi, để đó cho anh”. Đương nhiên là không nói bằng lời, vợ chồng họ ngầm hiểu ý nhau.