CHỨNG MINH CỦA KHOA HỌC VỀ NHÂN QUẢ LUÂN HỒI
TẬP 1
Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Người giảng: Tiến Sĩ Chung Mao Sâm
Địa điểm: Phòng 103 Hội Trường Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế Đài Bắc
Thời gian: Ngày 17 tháng 02 năm 2006
Cẩn dịch: Phước Tịnh Cư Sĩ, Vọng Tây Cư Sĩ
Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức, chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Hậu học rất vinh dự lần đầu tiên được đến với quý đảo Đài Loan, có được pháp duyên thù thắng như thế này, có thể cùng với chư vị Đại đức ở nơi đây thảo luận: “Chứng minh của khoa học về nhân quả luân hồi”. Trong thời đại hiện nay, buổi thảo luận này rất là quan trọng.
Hậu học trước khi đến Đài Loan đã đi đến Hồng Kông để chúc tết Ân sư Tịnh Không thượng nhân. Ân sư Ngài đã ân cần dặn dò tôi: “Giáo dục nhân quả là giáo dục quan trọng nhất để cứu vãn thế đạo nhân tâm”. Vì vậy Ân sư Ngài cũng khuyến khích hậu học đi các nơi trên thế giới để thúc đẩy tuyên giảng nhân quả luân hồi. Cho nên hậu học cảm thấy rằng sứ mệnh giáo dục nhân quả vô cùng quan trọng, vì vậy không suy nghĩ, đã đi đến quý đảo để chia sẻ chủ đề này với mọi người, cũng là để thỉnh giáo với mọi người.
Chuyến vân du diễn giảng ngày hôm nay tại quý đảo là điểm cuối cùng, điểm thứ 11. Trong hai tuần này, hậu học tôi đi đến Đài Nam, Cao Hùng, Cương Sơn, Đấu Lục, kể cả các nơi ở Đài Bắc v.v… để diễn giảng, cũng đã đến nhà tù, đến nơi tạm giam, đến hội trường của sở cảnh sát, cùng mọi người thảo luận với nhau.
Đối với nhân quả luân hồi và chân tướng của vũ trụ nhân sanh, kỳ thật từ xưa đến nay người ta mãi vẫn đang tìm tòi, bởi vì con người có sanh ắt sẽ có tử. Về việc sanh tử, mọi người nên suy nghĩ, sanh tử đến như thế nào, sanh từ nơi nào đến, chết đi về đâu? Thậm chí nên suy nghĩ rằng có thể chấm dứt được chuyện sanh tử không? Không sanh không tử? Những vấn đề này có thể nói trong lịch sử đã nghiên cứu mấy ngàn năm rồi; ở trong những tín ngưỡng, văn hóa, tôn giáo trong và ngoài nước cũng có những đáp án rất phong phú. Chẳng hạn như Khổng Tử - Thánh nhân của dân tộc chúng ta - trong chú giải “Kinh Dịch” có cho chúng ta biết về “Tinh khí vi vật du hồn vi biến”. Du hồn là nói đến trạng thái con người trước khi đầu thai và sanh ra, tinh khí là chỉ trạng thái cha mẹ sinh ra sau khi đầu thai. Tuy nhiên, Khổng Tử Ngài cũng có nói “Vị tri sanh yên tri tử”. Cho nên với đạo lý của sự sống Ngài giảng rất nhiều, nhưng đạo lý về cái chết thì nói rất ít, nhưng Ngài cũng nói sơ qua cho chúng ta: “Sự thật con người sau khi chết vẫn còn tồn tại sự sống”.
Cũng gần giống như Ngài Khổng Tử, cùng thời đại đó, có Thánh nhân Plato ở Phương Tây. Trong tác phẩm “Lý Tưởng Quốc” của ông cũng mô tả đến những vấn đề của sự sống và cái chết, đặc biệt có người miêu tả tình tiết của con người khi linh hồn ra khỏi thể xác. Phật Tổ của chúng ta - Thích Ca Mâu Ni Phật đối với sanh tử luân hồi, chân tướng trong sáu đường Ngài đã giảng cho chúng ta nghe càng rõ ràng hơn.
Ngoài những vị cổ Thánh tiên Hiền đã giảng dạy cho chúng ta về chân tướng của vũ trụ nhân sanh này, thì trong lịch sử trong và ngoài nước cũng có rất nhiều ghi chép nổi tiếng đối với chuyện chuyển thế luân hồi. Trong chính sử của đất nước ta cũng có rất nhiều câu chuyện nói đến sự chuyển kiếp luân hồi. Chúng ta tạm thời không bàn chuyện giả sử mà chỉ bàn chính sử, đều được sự công nhận của các vị vua ở trong chính sử, có nhiều bài viết về vấn đề này. Có bài viết nói nhà thơ tiên Lý Bạch đời nhà Đường sau này chuyển kiếp thành Quách Tường Chánh ở vào đời nhà Tống (chuyện này có ghi chép trong “Tống Sử” trang 10 tập 3 quyển 444). Vào thời Nam Bắc Triều vẫn còn có Lương Nguyên Đế, tiền kiếp của ông là một vị xuất gia tên là Miễu Mục Tăng (Chuyện này ghi trong “Nam Sử Lương Ký” ở trang 1 tập 3 quyển 8). Còn có câu chuyện người trời chuyển kiếp, ví dụ như trong “Đường Thư” trang 3 tập 2 quyển 27 có ghi chép câu chuyện của Hoàng đế Đường Đại Tông đời Đường là một vị thần đến đầu thai.
Ngoài ra, còn có chuyện con người chuyển kiếp thành động vật. Thí dụ nổi tiếng là Đại tướng Bạch Khởi thời đại Chiến Quốc nhà Tần cùng với nước Triệu đánh nhau. Đại tướng nước Triệu là luận binh trên giấy, không biết cách sử dụng binh. Kết quả là 400.000 binh lính nước Triệu bị bắt làm tù binh đại bại, đương nhiên 400.000 binh lính của nước Triệu trong tay không một tấc sắt đều bị chôn sống. Vì vậy, về sau trong “Đông Châu Liệt Quốc Chí” có ghi lại vào những năm cuối đời Đường, có một hôm trên trời bỗng nổi lên một trận sấm sét và đánh một con trâu chết tươi. Kết quả phát hiện trên bụng của con trâu có viết hai chữ “Bạch Khởi”. Đối với câu chuyện này lịch sử có bình luận: “Bạch Khởi do giết người quá nhiều, cho nên ông ta đời đời kiếp kiếp đều phải mang thân súc sanh để chịu quả báo, và còn phải chịu nhận quả báo bị sét đánh chết”.