/ 49
68

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 45

Giữ tâm mềm mại và tinh tế, bồi dưỡng phước điền cho chính mình

Giảng ngày 10 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Tuần lễ này chúng ta vẫn chưa ra bài tập, tuần lễ này chúng ta ôn tập khai thị của Đại sư Ấn Quang, thứ Bảy sẽ kiểm tra, có vấn đề gì không ạ? Ai dám nói có vấn đề nào (cười), những nội dung này chúng ta đã học thuộc từ sớm rồi, hồi đó khi chúng ta còn đang học Liễu Phàm Tứ Huấn thì đã làm bài tập này rồi.

Chúng ta nói tới “côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (chớ nên làm thương tổn côn trùng, thảo mộc) trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, câu giáo huấn này là trưởng dưỡng tâm từ bi của chúng ta, ông trời có đức hiếu sanh. Sách Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn cũng nói rằng: “Muốn mở rộng phước điền, phải dựa vào tâm địa, luôn luôn hành phương tiện, làm đủ các loại âm đức”. Lúc nào cũng giữ gìn tâm từ bi, yêu thương vạn vật, có tâm quý trọng vạn vật, đó tức là đang luôn luôn tu bồi phước điền của mình.

Hôm qua chúng ta xem trong phim tài liệu, số người thương vong trong cơn nắng hạn của Đông Phi, còn nghiêm trọng hơn so với các cuộc chiến tranh trong lịch sử. Trong cuộc sống chúng ta bây giờ ăn mặc không thiếu thốn, nguồn nước đều rất đầy đủ, chúng ta phải thường hay nhớ tới còn có rất nhiều nơi đang khô hạn, không thể chà đạp những tài nguyên, những nguồn nước này. Vạn vật là một thể, chúng ta thật sự biết quý phước, hồi hướng những phước báo này cho đông đảo chúng sanh, có lẽ đều sẽ có cảm ứng. Khởi tâm động niệm đều phải nên suy nghĩ cho chúng sanh thì sẽ không dễ dàng chà đạp đồ vật. Bản thân chúng ta tu được những phước báo này, về sau cũng là tận tâm tận lực mà giúp đỡ chúng sanh, tuyệt đối không phải chỉ mình mình hưởng phước, đó là đọa lạc.

Hôm đó đang ở lầu bốn, tôi đi vòng quanh văn phòng để tản bộ niệm Phật, nghe thấy trong nhà vệ sinh có tiếng nước chảy rất nhỏ, tôi liền đi vô xem. Lúc đó cái bồn dội nước đã đóng lại rồi nhưng nước vẫn cứ chảy, tức là hư rồi. Mọi người nghĩ xem, đã hơn 6 giờ chiều rồi, nếu như để nó tiếp tục chảy cả một đêm thì sẽ chảy bao nhiêu nước? Rất là khó nói. Tôi cũng cảm thấy rất kì lạ, mỗi lần tôi đi tuần tra nhà vệ sinh đều phát hiện vấn đề, có thể là thần hộ pháp nhắc nhở tôi mau mau vào đó xem một chút. Thật sự là người có tâm thì thần hộ pháp đều sẽ gia trì quý vị phát hiện một số việc. Bồn dội nước đó bị hư rồi tôi phát hiện, bồn cầu đó rỉ nước, tôi cũng phát hiện, chúng ta rất không đành lòng lãng phí những tài nguyên này, Phật Bồ-tát sẽ gia trì quý vị phát hiện ra một số tình hình này. Nếu như chúng ta đều không phát hiện thì có thể cái tâm này không đủ, chỉ lo việc nhà mình, không quản việc thiên hạ là không tốt. Cho nên mọi người nên tập thành những thói quen biết lưu ý đến mọi việc, khi mình đi vệ sinh xong cũng đừng có vội vội vàng vàng mà đi mất, hãy nhìn thử những dụng cụ này có bị hư hoại không, có hư tổn không, nếu có thì có thể kịp thời phát hiện.

Trong câu “côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” này, tâm nhân từ không chỉ là Nho Đạo Thích chúng ta nhấn mạnh mà các tôn giáo khác cũng là như vậy. Tôi nhớ là đã từng nghe tiến sĩ Vĩnh Lạc Đa Tư, cô là tín đồ Hồi giáo, nhắc tới thánh nhân Muhammad trong tôn giáo của họ. Có một lần có một con mèo ở bên cạnh ông ngủ thiếp đi, lúc đó ông đang mặc một chiếc áo khoác, áo khoác giống như áo choàng dài vậy, con mèo đó nằm ngủ ngay trên áo choàng của ông. Vốn dĩ ông đang ngồi đọc sách, đọc xong rồi sắp rời đi, phát hiện con mèo này đang ngủ say, ông liền cởi chiếc áo choàng của mình ra, không đành lòng kinh động nó. Từ một động tác nhỏ như vậy cũng có thể nhìn thấy tâm từ bi luôn luôn được giữ gìn trong tâm ông. Vì người ta hễ nóng vội, thô lỗ, lơ là thì sẽ dễ dàng sát hại sanh mạng hoặc là sẽ chà đạp tài nguyên.

Trong Âm Chất Văn lại nói: “Bước chân thường nhìn côn trùng, cấm lửa đừng đốt núi rừng”. Khi mình đi đứng thì thường phải đừng để ngộ sát những côn trùng, động vật nhỏ này. “Cấm lửa đừng đốt núi rừng”, đi lên trên núi phải rất cẩn thận, lúc đó nếu chúng ta phải dùng đến những mồi lửa thì trước khi rời đi nhất định phải chắc chắn là đã dập tắt lửa hết rồi. Nếu không, lửa đó mà cháy lên thì số lượng sinh linh bị thương vong sẽ không đếm xuể. Cho nên gây ra hỏa hoạn trong rừng thì đọa địa ngục A-tỳ, sát nghiệp sẽ không biết bao nhiêu mà kể. Mọi nơi đều giữ tâm từ bi, phải cẩn thận. Ví dụ với các côn trùng, chúng ta rất có thể sẽ ngộ sát con kiến, khi mà quý vị tạt nước, có lúc sẽ dìm chết chúng, thậm chí có lúc sẽ làm chúng chết bỏng. Hoặc là trong nhà đang đốt một số thứ, lò lửa đó nếu đặt xuống, trước hết phải xem xung quanh có kiến hay không, nếu không có thể lại ngộ sát nữa.

/ 49