/ 2
1.168

BÀN VỀ HIẾU ĐẠO

Người dẫn chương trình: Uông Dụng Hòa

Khách mời phỏng vấn: Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 12 tháng 6 năm 2003

Địa điểm: Đài truyền hình Vĩ Lai

Tập 1

 

MC: A Di Đà Phật. Xin chào chư vị đại đức, cư sĩ! Tôi là Uông Dụng Hòa, rất vui vì hôm nay có cơ hội được phỏng vấn Pháp sư Tịnh Không, mời Pháp sư Tịnh Không khai thị cho mọi người về “Ý nghĩa của hiếu đạo”. Trước tiên chúng ta cùng chào Pháp sư Tịnh Không, xin chào Pháp sư!

Hòa Thượng: Xin chào mọi người!

MC: Sư phụ, con nghĩ ở Đài Loan có rất nhiều bạn bè, cư sĩ đều mong muốn được nghe Ngài chia sẻ với mọi người về chủ đề liên quan tới “hiếu”. Trước tiên, có thể mời ngài khai thị cho mọi người về ý nghĩa của hiếu đạo được không? Tác dụng lớn nhất của nó rốt cuộc là gì?

Hòa Thượng: Hiếu đạo không chỉ là trọng tâm trong văn hóa tinh thần dân tộc Trung Quốc, mà nó còn là nền tảng, nguồn gốc của Phật pháp Đại thừa. Cái chữ này, từ trên văn tự Trung Quốc có thể hiện thị ra ý nghĩa của nó. “Hiếu”, phía trên là chữ “lão”, phía dưới là chữ “tử”, trong Lục thư thì nó thuộc về chữ hội ý, để cho bạn khi nhìn thấy chữ này sẽ thể hội được ý nghĩa ở bên trong. Lão biểu thị cho thế hệ trước, tử biểu thị cho thế hệ sau, thế hệ trước cùng thế hệ sau là một thể, để bạn nghĩ tới ý nghĩa này. Bây giờ người nước ngoài nói giữa các thế hệ có sự ngăn cách, các thế hệ mà ngăn cách thì không còn hiễu nữa, trên dưới đã bị tách rời. Thế nên, đời trước còn có đời trước nữa, đời sau còn có đời sau nữa; chữ “hiếu” này, nếu bạn tỉ mỉ mà thể hội thì nó chính là “quá khứ vô thủy, vị lai vô chung”, tạo thành một thể sinh mạng. Nếu như chúng ta nói cùng chung một thể sinh mạng, nói cùng chung thì vẫn còn rất nhiều giai đoạn, đó không phải là ý nghĩa thật sự của hiếu. Hiếu là một thể, tổ tiên của chúng ta ở vô lượng kiếp trước cùng với thế hệ sau là không có điểm bắt đầu cũng không có điểm kết thúc, là một chỉnh thể sanh mạng, đây là ý nghĩa đầu tiên của hiếu đạo.

Trong Phật pháp nói về hiếu thì càng rõ ràng hơn, “quá khứ không có điểm bắt đầu, vị lai không có điểm kết thúc; ngang trọn khắp mười phương, dọc cùng khắp ba đời” (Quá khứ vô thủy, vị lai vô chung, hoành biến thập phương, thụ cùng tam tế) là một thể sinh mạng, đây chính là “pháp thân” được nói trong Phật pháp Đại thừa. Pháp thân lớn cỡ nào? Khắp hư không pháp giới. Pháp thân không có giới hạn về thời gian, không có giới hạn về không gian, thời gian và không gian dung hợp thành một thể, hết thảy vạn sự vạn vật được bao hàm trong thời không đó, điều này chỉ có đức Phật mới nói được rõ ràng. Đây là sự việc gì? Đức Phật nói, hết thảy đều là chính mình.

Trong “Đại thừa giáo” nói hư không từ đâu đến? Thế giới từ đâu đến? Thế giới này không phải nói về trái đất, cũng không phải nói về hệ mặt trời hay hệ ngân hà, mà trên thực tế là bao gồm tất cả hệ hành tinh có trong thời gian và không gian. Tất cả các hệ hành tinh này, những thứ mà cảm quan chúng ta có thể nhìn thấy được giống như màn hình tivi của chúng ta vậy, nhìn thấy hình ảnh. Trên thực tế, hình ảnh của nó là do rất nhiều kênh đồng thời hiển thị, chúng ta nhấn nút nào thì hình ảnh đó liền hiện ra, nếu như tất cả các nút đều được nhấn xuống thì hết thảy các kênh đều được hiện lên, đây mới là chân tướng của vũ trụ. Cho nên, trong Hoa Nghiêm đức Phật nói cho chúng biết thế giới là trùng trùng vô tận. Nếu như bạn có năng lực đột phá giới hạn của thời gian và không gian thì hết thảy đều nhìn thấy cả, có thể nhìn thấy quá khứ, có thể nhìn thấy vị lai, có thể nhìn thấy thế giới trong từng hạt bụi nhỏ. Thế giới trong hạt bụi cũng lớn như thế giới cảm quan của chúng ta vậy.

Vì thế trong hiếu đạo viên mãn, không những không có khoảng cách không gian, không có sự đến đi của thời gian, cũng không có lớn nhỏ, đây chính là “bất nhị pháp môn” mà trong Phật pháp nói. Nếu như có hai, hai thì đã đối lập, đối lập thì bạn sẽ không nhìn thấy chân tướng. Trong Phật pháp gọi là thật tướng các pháp, đây là trong kinh Bát-nhã nói; bây giờ chúng ta nói về “vũ trụ”, chúng ta lại thêm vào một cái “nhân sinh”, kỳ thật thêm nhân sinh cũng là không cần thiết. Chân tướng của vũ trụ, nếu như thông đạt, rõ ràng chân tướng thì chúng ta gọi người này là Phật Đà; nếu như mê hoặc, không hiểu rõ đối với chân tướng thì Phật pháp gọi đó là phàm phu. Phàm phu và Phật không khác gì nhau, một bên là sáng tỏ, một bên là không sáng tỏ, nên dùng hai danh từ này. Dù cho sáng tỏ thì chân tướng này cũng không hề tăng thêm chút nào; mê hoặc, không sáng tỏ thì chân tướng này cũng chẳng giảm bớt, cũng chẳng ít đi chút nào. Thế nên mới nói: “không tăng không giảm, không sanh không diệt, không đến không đi, chẳng có chẳng không” (bất tăng bất giảm, bất sanh bất diệt, bất lai bất khứ, phi hữu phi vô). Bạn không thể nói nó có, bạn cũng không thể nói nó không. Bạn nói nó không, nhưng nó có tướng; bạn nói nó có, nhưng tướng đó lại sanh diệt trong từng sát na. Trong kinh Kim Cang nói được rất hay, tướng này là “mộng huyễn bào ảnh”. Lý này rất sâu, tướng vô cùng vi diệu, không dễ gì lý giải được, nếu toàn bộ đều hiểu rõ rồi thì “hiếu”, cái phù hiệu này đều đã biểu thị tất cả.

/ 2