/ 51
1.683

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 26 (Số 14-12-26)

Xin mở kinh, Khoa Chú quyển trung, trang bảy mươi, Lợi Ích Tồn Vong Phẩm đệ thất, xin xem kinh văn:


PHẨM THỨ 7: LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT

利益存亡品第七


Nhĩ thời Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, ngã quán thị Diêm Phù chúng sanh, cử tâm động niệm vô phi thị tội, thoát hoạch thiện lợi đa thoái sơ tâm. Nhược ngộ ác duyên niệm niệm tăng ích, thị đẳng bối nhân như lý nê đồ phụ ư trọng thạch, tiệm khốn tiệm trọng túc bộ thâm thúy.

爾時地藏菩薩摩訶薩白佛言。世尊。我觀是閻浮眾生。舉心動念無非是罪。脫獲善利多退初心。若遇惡緣念念增益。是等輩人如履泥塗負於重石。漸困漸重足步深邃。

Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch đức Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Con xem chúng sanh trong cõi Diêm Phù, khởi tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Họ từ bỏ những thiện lợi có được và phần nhiều thoái thất sơ tâm, nếu gặp ác duyên thì niệm niệm tăng ích. Những hạng người này như kẻ đi trong bùn lầy mà còn mang đá nặng, nên càng khốn đốn, nặng thêm dần, chân càng lún xuống sâu.

Chúng ta coi đoạn này. Đoạn này cũng là đoạn quan trọng trong kinh [Địa Tạng]. Đặc biệt là trong tháng bảy, dân chúng ai nấy đều biết về pháp sự siêu độ, pháp sự siêu độ từ đâu mà có? Dựa trên lý luận gì? Đoạn kinh này sẽ nói rõ cho chúng ta biết. Đoạn đầu là lời Địa Tạng Bồ Tát nói với đức Phật Thích Ca, đây là những sự việc Ngài thấy được trong khi độ hóa chúng sanh ở thế gian chúng ta. ‘Diêm Phù chúng sanh’ chỉ địa cầu của chúng ta, ‘cử tâm động niệm’ tức là khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm ‘không gì chẳng phải là tội’. Lời này của Địa Tạng Bồ Tát có quá đáng không? Tự chúng ta phải hết lòng bình tĩnh mà suy nghĩ, khởi tâm động niệm có là tội hay không? Phật giảng kinh này trong hội Phương Đẳng. Vào thời đó, ba ngàn năm trước, Bồ Tát nói câu này đích thật làm cho chúng ta hoài nghi. Nếu nói câu ấy vào thời hiện đại ở thế gian này thì chúng ta sẽ khẳng định, đích thật là khởi tâm động niệm gì cũng là tội. Nhưng ý tứ của Bồ Tát rất sâu, tại sao? Khởi tâm động niệm chính là tội, lời này nói ra rất khó hiểu. Trên quả địa Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, chúng ta gọi là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, họ còn khởi tâm động niệm không? Chẳng còn. Nếu chư vị nghe và hiểu được ý nghĩa này thì bạn sẽ hiểu rõ [tại sao] khi khởi tâm động niệm liền rơi vào thập pháp giới, do đó tiêu chuẩn định tội rất cao. Tiêu chuẩn đó là giới hạn giữa Nhất Chân pháp giới và thập pháp giới, khi bạn rơi vào thập pháp giới thì bạn có tội; trong thập pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, còn có Phật, Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật. Cho nên khởi tâm động niệm là gì? Đã biến chân tâm chân tánh của bạn thành Thức. Pháp Tướng Tông nói tiêu chuẩn của tu hành là chuyển Thức thành Trí, chuyển Tám Thức thành Bốn Trí; khởi tâm động niệm là chuyển Bốn Trí thành Tám Thức, vẫn là tội, đây là dựa trên tiêu chuẩn này. Thế giới chúng ta hôm nay, tiêu chuẩn ấy lại còn thấp hơn nữa. Tiêu chuẩn thế gian ngày nay là gì? Tiêu chuẩn của Tam Ác Đạo. Khi khởi tâm động niệm đều là tội nghiệp tam ác đạo. Đương nhiên Địa Tạng Bồ Tát đích thật nói về tiêu chuẩn của tam ác đạo, Ngài chỉ tiêu chuẩn này. Phân biệt, chấp trước nặng nề, trong thập pháp giới phân biệt chấp trước rất mỏng, rất lợt lạt, còn trong lục đạo thì phân biệt chấp trước rất nặng, đặc biệt là chúng sanh trong ác đạo.

Trong kinh điển Đại Thừa, đức Phật giảng cho chúng ta biết nghiệp nhân của thập pháp giới, đây là điều người thật sự muốn học Phật nhất định phải hiểu rõ ràng, rành rẽ, phải thường dùng những lời giáo huấn này của đức Phật để trắc nghiệm mình, coi công phu của mình có đắc lực không? Chúng ta tu học có bị thiên lệch không, có sai lầm không? Dùng những lời giáo huấn này để kiểm điểm, khảo sát. Giống như đọc sách vậy, phải thường xét thành tích của mình. Đức Phật nói cho chúng ta biết nghiệp nhân của thập pháp giới, nghiệp nhân này đương nhiên vô cùng phức tạp, trong [những nghiệp nhân] phức tạp này có một nhân tố quan trọng nhất, chúng ta gọi là nhân tố thứ nhất. Phật dạy nhân tố thứ nhất của thập pháp giới. [Trước hết nói về cảnh giới] Phật, nhân tố thứ nhất để thành Phật là Bình Đẳng, tâm Phật là tâm bình đẳng, niệm chúng sanh một cách bình đẳng. Nếu có phân biệt thì chẳng bình đẳng, do đó Phật nhìn hư không pháp giới nhất định chẳng có phân biệt, đó là một thể, tâm bình đẳng là nhân tố thứ nhất để thành Phật. Bồ Tát là tâm Lục Độ, dấy khởi tâm niệm có thể tương ứng với Lục Độ thì người ấy là Bồ Tát. Tâm Duyên Giác là Mười Hai Nhân Duyên, niệm niệm đều tương ứng với Mười Hai Nhân Duyên là Bích Chi Phật, niệm niệm tương ứng với Tứ Đế là Thanh Văn, đây đều là các nhân tố thứ nhất. Niệm niệm đều tương ứng với Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, thì đây là Thiên Đạo trong lục đạo. Làm sao có thể sanh lên Trời? Phải tu thượng phẩm thập thiện, còn phải đầy đủ Tứ Vô Lượng Tâm, người như vậy sẽ sanh lên cõi Trời. Tương ứng với Ngũ Giới thì được sanh làm Người. Ngày nay chúng ta được thân người là do đời trước tu hành tương ứng với Ngũ Giới. Trong tam ác đạo, cõi ngạ quỷ tương ứng với Tham, cõi địa ngục tương ứng với Sân khuể, cõi súc sanh tương ứng với Ngu Si. Trong thập pháp giới còn có cõi Tu La, Tu La hơi đặc biệt. Tu La tu thiện, cũng tu thượng phẩm thập thiện nhưng chẳng có Tứ Vô Lượng Tâm, còn cống cao ngã mạn, tâm đố kỵ rất nặng, tâm háo thắng rất mạnh, họ cũng tu thượng phẩm thập thiện, đây là nhân của cõi Tu La.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51