/ 51
1.085

ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ

Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không

Tập 11 (Số 14-12-11)

Lần trước giảng đến đoạn Định Tự Tại Vương Bồ Tát thưa hỏi Thế Tôn, Địa Tạng Bồ Tát nhiều kiếp đến nay đã phát nguyện gì mà được Thế Tôn ân cần tán thán, thỉnh Phật vì đại chúng khai thị. Thế Tôn nói với Định Tự Tại Vương Bồ Tát, trên thật tế thì Bồ Tát hỏi thay chúng ta, đức Phật bảo Định Tự Tại Vương Bồ Tát phải ‘lắng nghe’ tức là dạy chúng ta phải dụng tâm nghe pháp, lắng lòng lãnh hội. Phật nói nhiều kiếp xa xưa về trước có một vị Phật hiệu là ‘Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai’, thọ mạng của đức Phật là sáu vạn kiếp, từ đây có thể biết chúng sanh trong thời đại đó nhất định phải tu thiện đoạn ác nên mới cảm được quả báo thù thắng như vậy. Lúc Phật chưa xuất gia, Ngài là vua một nước nhỏ, cùng với vua một nước láng giềng là bạn thân, cả hai vị vua này đều dùng thập thiện để cai trị quốc gia, dạy dân chúng cả nước đoạn thập ác, tu thập thiện. Đương nhiên hai nước này đều quốc thái dân an, nhân dân đều rất hạnh phúc. Nhưng trừ hai nước này ra, những nơi khác không được như vậy, chúng sanh tạo ác nghiệp rất nhiều. Lúc hai vị vua nhìn thấy cục diện của cả thế giới, họ bèn bàn tính làm thế nào để giúp đỡ nhân dân của các quốc gia ấy. Chúng ta giảng đến chỗ này. Xin xem tiếp:

 

Kỳ lân quốc nội sở hữu nhân dân đa tạo chúng ác, nhị vương nghị kế quảng thiết phương tiện.

其鄰國內所有人民多造眾惡。二王議計廣設方便。

Nhân dân trong nước lân cận đó đa số tạo nhiều việc ác, hai vua bèn bàn tính lập nhiều phương tiện.

Làm thế nào để cứu vãn thế vận, hai vị quốc vương này hợp lại thương lượng.

 

Nhất vương phát nguyện tảo thành Phật đạo, đương độ thị bối linh sử vô dư.

一王發願早成佛道。當度是輩令使無餘。

Một vị vua phát nguyện sớm thành Phật đạo, để độ hết những kẻ ấy, không bỏ sót một ai.

Một vua phát nguyện, duy chỉ có thành Phật mới có khả năng rộng độ chúng sanh. Nếu chẳng thành Phật, tuy có nguyện này, nguyện này trái ngược với tâm, chúng ta thường nói: ‘Tâm có dư nhưng sức chẳng đủ’, vẫn chẳng có cách gì. Nên phát tâm cầu đạo muốn thành Phật.

 

Nhất vương phát nguyện nhược bất tiên độ tội khổ, linh thị an lạc đắc chí Bồ Đề, ngã chung vị nguyện thành Phật.

一王發願若不先度罪苦。令是安樂得至菩提。我終未願成佛。

Một vua thì nguyện nếu tôi chẳng độ những kẻ tội khổ trước, làm cho họ được an vui, cho đến đắc quả Bồ Đề, thì tôi nguyện chưa thành Phật.

Hai vị vua này phát nguyện chẳng giống nhau. Vị vua này phát nguyện chưa độ mình, độ chúng sanh trước. Đây là Bồ Tát phát tâm, chẳng vì mình, vì kẻ khác. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật của đoạn kinh này, chúng ta có thể phát nguyện chẳng độ mình, mà độ chúng sanh trước hay không? Nếu thật sự phát nguyện này, hết thảy đều vì chúng sanh, hết thảy vì Phật pháp, đích thật chẳng có Ta, ‘Ta và cái của Ta’ (ngã và ngã sở) đều đoạn dứt hết, như vậy thì được, vậy thì không có vấn đề.  Nếu vẫn còn nhân ngã, thị phi, được mất, vậy thì không được. Nói cách khác, bạn sẽ chẳng thoát ra khỏi lục đạo. Phàm là con người mà nếu chưa thể thoát ly lục đạo thì nhất định phải giác ngộ. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta tích lũy bao nhiêu tội nghiệp, đây là sự thật! Tội nghiệp chẳng phải chỉ tạo trong đời này mà thôi, tội nghiệp còn tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, lẽ đâu chẳng đọa ác đạo cho được! Bạn nhất định sẽ đọa lạc.  Lúc đọa lạc trong tam ác đạo, bạn lấy gì để độ chúng sanh? Thế nên chư vị phải biết, nhất định phải chứng được quả A La Hán trở lên mới có thể nói “Tôi độ chúng sanh trước, chúng sanh chẳng thành Phật thì tôi không thành Phật”. Mức tối thiểu là quả A La Hán, thoát ly lục đạo luân hồi. Vào trong lục đạo chỉ là thị hiện, giúp đỡ chúng sanh. Cho đến khi mình thành Phật vẫn còn một thời gian dài, mình cứ thong thả độ chúng sanh trước, như vậy thì được. Tự mình phải có bản lãnh mới được, nếu chẳng có bản lãnh mà phát nguyện này thì cũng như không nguyện. Thế nên ở chỗ này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, muôn vàn xin đừng hiểu lầm.

Phương pháp thù thắng nhất đối với chúng ta, [do vì] nghiệp chướng tập khí của chúng ta quá nặng, ngay cả một phẩm phiền não chúng ta cũng chẳng có năng lực đoạn được, [cho nên] phương pháp hay nhất là phát tâm cầu sanh Tịnh Độ. Nói thật ra nếu chúng ta muốn tự mình tu hành chứng được quả A La Hán không đơn giản đâu, làm chẳng nổi, nhưng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì người người đều có thể làm được. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới có phải là liền thành Phật không? Không phải, một phẩm phiền não còn chưa đoạn, người vãng sanh đến Phàm Thánh Đồng Cư Độ phiền não chưa đoạn, nhưng được bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì, cộng thêm thiện lực của mình, tự mình phải có nguyện tâm, có một chút thiện lực, cùng chư Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao, đến lúc ấy thì được. Tôi chẳng cần thành Phật gấp, [do] tôi nóng lòng muốn độ chúng sanh trước nên học theo Địa Tạng Bồ Tát. Đó là vốn liếng của bạn, bạn được bổn nguyện oai thần của A Di Đà Phật gia trì thì có thể đến mười phương thế giới, nên dùng thân gì độ hóa thì thị hiện thân ấy. Địa Tạng Bồ Tát cũng vậy. Tôi đã kể chuyện vợ ông Châu Bang Đạo gặp Địa Tạng Bồ Tát mang hình tướng tỳ-kheo xuất gia, nên dùng thân gì để độ bèn thị hiện thân đó. Cần dùng thân Phật để độ, Địa Tạng Bồ Tát cũng có thể thị hiện tám tướng thành đạo, cũng có thể thị hiện dùng thân Phật. Cho nên điểm này chúng ta phải tìm hiểu rõ ràng, muôn vàn xin đừng hiểu lầm.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51