ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Tập 8 (Số 14-12-08)
Xin mở kinh, phẩm thứ nhì: Phân Thân Tập Hội, bắt đầu từ đoạn thứ hai.
Nhĩ thời Thế Tôn thư kim sắc tý, ma bách thiên vạn ức bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết vô lượng a-tăng-kỳ thế giới chư phân thân Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.
爾時世尊舒金色臂。摩百千萬億不可思。不可議。不可量。不可說無量阿僧祇世界諸分身地藏菩薩摩訶薩頂。
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đưa cánh tay sắc vàng xoa đảnh các phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát trong trăm ngàn vạn ức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn, chẳng thể tính, chẳng thể nói vô lượng a-tăng-kỳ thế giới.
Lần trước giảng đến chỗ này, ý tứ trong đó rất sâu. Từ đoạn khai thị này của Thế Tôn chúng ta biết phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát thật là vô lượng vô biên. Tại sao Bồ Tát phải dùng nhiều phân thân như vậy? Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề này, nhất định là vì chúng sanh tạo ác nghiệp ở mười phương thế giới quá nhiều, nên Ðịa Tạng Bồ Tát cần phải phân thân đi độ hóa. Ðây là hiển thị ý nghĩa này, người tạo ác nghiệp nhiều vô lượng vô biên. Thế Tôn nói tiếp:
Nhi tác thị ngôn:
而作是言。
Rồi nói rằng:
Ðây là lời Phật Thích Ca nói:
Ngô ư ngũ trược ác thế, giáo hóa như thị cang cường chúng sanh, lịnh tâm điều phục xả tà quy chánh. Thập hữu nhất nhị thượng ác tập tại.
吾於五濁惡世。教化如是剛強眾生。令心調伏捨邪歸正。十有一二尚惡習在。
Ta ở trong đời ác Ngũ Trược giáo hóa những chúng sanh ương ngạnh như vậy, làm cho tâm họ điều phục, bỏ tà về chánh. Trong mười phần còn một, hai phần vẫn theo thói ác.
Ðức Phật an ủi Ðịa Tạng Bồ Tát, Ðịa Tạng Bồ Tát từ bi đến cùng cực. Cùng một đạo lý, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từ bi đến cùng cực, Bồ Tát phân thân vô lượng vô biên, Phật có khác gì đâu? Trong kinh Phạm Võng chúng ta thấy trăm ngàn ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật. Ðịa Tạng và Thế Tôn như vậy, chúng ta liền liên tưởng đến hết thảy chư Phật Bồ Tát chẳng có vị nào không như vậy. Thế nên việc này nói cho chúng ta biết Phật, Bồ Tát còn nhiều hơn số người tạo tội nghiệp, lòng đại từ đại bi này chúng ta chẳng tìm đủ ngôn từ để tán thán. Nhưng chúng sanh đích thật ương ngạnh khó giáo hóa, tập khí quá nặng. Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, dạy cho họ cải tà quy chánh, ở đây nói ‘trong mười người có một, hai vẫn còn tập khí ác’, nói cách khác, bảy tám người trong mười người đã được Phật, Bồ Tát độ thoát rồi, như vậy số người được độ thoát không phải rất nhiều sao? Chư vị nên biết số người nói ở đây là chỉ những chúng sanh căn cơ chín muồi, không nói đến những chúng sanh căn cơ chưa chín muồi. Cũng có nghĩa là thiện căn, phước đức của họ đã thành thục rồi, Phật, Bồ Tát đến tạo duyên phụ giúp họ, là ý tứ như vậy. Ða số những người này đều có thể tiếp nhận Phật pháp, y giáo phụng hành, nhưng vẫn còn thiểu số một, hai trong mười người, vẫn còn tập khí ác. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy có mười loại chúng, liệt kê ra mười loại đến nghe kinh trong những đoàn thể nhỏ, chúng ta có thể nhận biết được. Trên thật tế thì trong đạo tràng của chúng ta cũng có thể nhận biết. Nếu họ chẳng có thiện căn phước đức, chúng ta giảng kinh ở đây họ đời nào chịu đến nghe! Cũng rất chăm chú nghe, hình như cũng rất gắng sức tu hành, nhưng một lát thôi rồi tập khí tật xấu gì cũng khởi lên lại, đây là thuộc về ‘một, hai trong mười’ này. Hạng này được độ trong đời này không? Không thể được, chỉ trồng thiện căn mà thôi. Cho nên Phật giao những chúng sanh này cho Ðịa Tạng Bồ Tát, Phật chưa độ hết những người căn tánh chưa chín muồi này, nhờ Ðịa Tạng Bồ Tát độ tiếp, mãi cho đến khi Phật Di Lặc ra đời. Chúng ta xem tiếp kinh văn:
Ngô diệc phân thân thiên bách ức, quảng thiết phương tiện.
吾亦分身千百億。廣設方便。
Ta cũng phân thân ngàn trăm ức, rộng bày phương tiện.
Ở đây đức Phật Thích Ca nói ra, phía trước là nói sơ lược, ở đây nói kỹ hơn, chia căn tánh của chúng sanh thành bốn loại, ba loại trong đó đều được độ, loại chót chính là ‘một, hai trong mười’, cụ thể nói rõ ra.
Hoặc hữu lợi căn văn tức tín thọ.
或有利根聞即信受。
Hoặc có kẻ lợi căn, vừa nghe liền tin nhận.
Ðây là người thượng thượng căn, vừa tiếp xúc Phật pháp liền tin tưởng, liền tiếp nhận, y giáo phụng hành, họ liền được độ, đây là [chúng sanh] được độ vào thời Chánh pháp. Hạng thứ hai: