ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không
Xin mở kinh, xem đoạn kinh tiếp theo.
Duy nguyện Thế Tôn quảng thuyết Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, nhân địa tác hà hạnh lập hà nguyện, nhi năng thành tựu bất tư nghị sự.
唯願世尊廣說地藏菩薩摩訶薩。因地作何行立何願。而能成就不思議事。
Xin nguyện Thế Tôn nói rõ Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lúc còn tu nhân đã làm hạnh gì, lập nguyện gì mà thành tựu được sự không thể nghĩ bàn như vậy.
Văn Thù Bồ Tát thấy trong đại hội này đại chúng hy hữu, đông đảo, đương nhiên Ngài biết rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng còn người, trời, phàm phu, Nhị Thừa, cho đến Quyền Giáo Bồ Tát nhìn thấy tình trạng thù thắng này sẽ tránh không khởi nghi hoặc, thậm chí còn có ý niệm hủy báng. Tổ sư đại đức y theo kinh luận nói với chúng ta: Nghi hoặc, báng pháp nhất định sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Những lời giống như vầy chúng ta thường chẳng dám nói, tại sao? Nói ra người ta càng nghi hoặc, càng hủy báng, họ nghe xong sẽ nói: “Ông lấy chuyện này ra để dọa người ta, đâu có tội nặng như vậy? Làm gì có địa ngục?” Họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng. Thế nên những lời nói như vầy, chúng ta tin tưởng thì tự mình sẽ có cảnh giác cao độ: Còn đối với đại chúng trừ phi đọc đến đoạn kinh này thì chẳng thể không nói, nếu không đọc đến đoạn kinh này thì chúng ta sẽ chẳng nói. Phải biết tại sao chẳng nói? Nói xong không những không có lợi mà còn giúp cho người ta tạo tội nghiệp, vậy thì nói ra làm chi! Người ta đã đọa lạc rất thảm rồi, chẳng nên làm cho họ đọa nặng thêm, đây chính là đại từ đại bi. Thế nên trong thời trược ác, Phật, Bồ Tát chẳng dùng thân tướng của Phật xuất hiện trong thế gian là để giảm bớt sự nghi hoặc, hủy báng của chúng sanh. Văn Thù Bồ Tát vô cùng từ bi, giúp Thế Tôn giáo hóa chúng sanh. Giống như hai Ngài đang biểu diễn trên sân khấu vậy, một người hỏi, một người đáp. Ðịa Tạng Bồ Tát làm sao có phước đức nhân duyên lớn lao như thế? Triệu tập tận hư không trọn khắp pháp giới hết thảy chư Phật, Bồ Tát, chúng sanh có duyên trong lục đạo đến tham dự đại hội này, đây là chuyện chẳng thể nghĩ bàn. Xin xem đoạn kinh sau đây:
Phật cáo Văn Thù Sư Lợi: ‘Thí như tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu thảo mộc tòng lâm đạo ma trúc vi, sơn thạch vi trần nhất vật nhất số, tác nhất Hằng hà, nhất Hằng hà sa nhất sa chi giới, nhất giới chi nội nhất trần nhất kiếp, nhất kiếp chi nội sở tích trần số, tận sung vi kiếp.
佛告文殊師利。譬如三千大千世界。所有草木叢林稻麻竹葦。山石微塵一物一數。作一恒河。一恒河沙一沙之界。一界之內一塵一劫。一劫之內所積塵數。盡充為劫。
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi thí dụ như trong tam thiên đại thiên thế giới hết thảy cây, cỏ, lùm, rừng, lúa, đay [1], trúc, lau, núi, đá, hạt bụi, mỗi vật tính thành một số, mỗi số là một sông Hằng, số cát trong mỗi sông Hằng cứ một hạt cát là một thế giới, trong mỗi thế giới tính mỗi hạt bụi là một kiếp, số bụi tích chứa trong mỗi kiếp đều tính thành kiếp.
Trong đoạn này, Thế Tôn vì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói ra nhân duyên sự tích độ hóa chúng sanh của Ðịa Tạng Bồ Tát trước kia. Nói với Văn Thù Bồ Tát tức là nói với chúng ta, Văn Thù Bồ Tát ở đây đại diện cho chúng ta. Ðoạn này trước hết số lượng chẳng thể nghĩ bàn; thí dụ này chúng ta chẳng cần giải thích từng câu, giảng ký của pháp sư Thánh Nhất có thuyết minh, ở đây chúng ta lược bớt. Con số này chẳng có cách chi tính nổi, người trong thế gian không thể tính, hiện nay máy móc, kỹ thuật điện toán tối tân nhất cũng tính không nổi.
Ðịa Tạng Bồ Tát chứng Thập Ðịa quả vị dĩ lai, thiên bội đa ư thượng dụ.
地藏菩薩證十地果位已來。千倍多於上喻。
Ðịa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Ðịa đến nay còn lâu gấp ngàn lần thí dụ trên.
Con số trong thí dụ trên, đây là nói về lúc Ðịa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Ðịa đến nay, từ lúc chứng Sơ Ðịa đến Thập Ðịa; nói cách khác thời gian lúc trước quả Thập Ðịa đều không tính, nếu tính thì càng nhiều hơn nữa, đếm chẳng nổi.
Hà huống Ðịa Tạng Bồ Tát tại Thanh Văn, Bích Chi Phật địa.
何況地藏菩薩在聲聞。辟支佛地。
Huống gì lúc Ðịa Tạng Bồ Tát còn là Thanh Văn, Bích Chi Phật.