/ 128
690

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 89


Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hôm nay có ba mươi tám bạn đồng tu của Tịnh Tông Học Hội Đài Bắc đến Singapore tham học, tôi vô cùng cảm ân. Trong đó có một số bạn đồng tu cũ đến từ Thư viện của chúng tôi. Kể từ sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, tôi yêu cầu tứ chúng đồng tu của Thư viện duy trì và bảo vệ mô hình hoạt động này của Hàn Quán Trưởng khi còn tại thế ít nhất ba năm, không được thay đổi. Điều này là chúng tôi đối với ân huệ ba mươi năm hộ trì của Hàn Quán Trưởng, nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ làm được một năm. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh tròn một năm thì Thư viện xảy ra biến cố, biến cố đó quá lớn, hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của tôi. Suy nghĩ ban đầu là sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh thì việc hoằng pháp do một mình tôi gánh vác. Khi đó chúng tôi có bốn đạo tràng trọng điểm, nên tôi tự mình xắp xếp là một năm ở Đài Loan ba tháng, ở Mỹ ba tháng, ở Singapore ba tháng, ở Úc ba tháng, tôi xắp xếp thời gian như vậy. Sau khi xảy ra biến cố ở Thư viện thì chúng tôi không thể không dời đi, hơn nữa toàn bộ đều lần lượt dời đi cả. Đây là điều tôi có nghĩ cũng không thể nghĩ đến được, cũng là điều mà Hàn Quán Trưởng không thể nghĩ đến. Hàn Quán Trưởng không những hy vọng đạo tràng này vĩnh viễn làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, hơn nữa còn nhiều lần nói với tôi là ngay cả đạo tràng ở San Jose bên Mỹ cũng phải tiếp tục duy trì dài lâu. Tất cả những điều này tôi nghĩ đều là sự sắp đặt của Phật Bồ-tát, cho nên chúng tôi đều mang một tâm thái cảm ân đối với tất cả mọi người, nhất định không có một lời oán trách.

Ở Singapore có sự hộ trì nhiệt tình của cư sĩ Lý Mộc Nguyên hộ trì toàn lực. Ở nơi đây không những chúng tôi xây dựng lên đạo phong và học phong của Phật pháp mà còn đẩy mạnh đến toàn xã hội, đến các tôn giáo, đến các chủng tộc, có lẽ chính vì sứ mạng này khiến chúng tôi không thể không rời khỏi đạo tràng cũ thân thương này. Chúng tôi theo đuổi sự nghiệp lớn, hòa hợp với các chủng tộc, đoàn kết tất cả các tôn giáo, chúng tôi đã thực hiện được công việc này tại Singapore và Úc rồi. Việc này ở Úc do chính phủ chủ động phát động thực hiện. Khi chúng tôi qua bên đó, họ vô cùng hoan nghênh, hầu như khi có những hoạt động lớn của các chủng tộc tôn giáo thì họ nhất định mời tôi tham dự, chúng tôi cũng nhất định đến tham gia, giúp đỡ họ phát triển. Cho nên sang năm chúng tôi có kế hoạch đi thăm các quần thể dân tộc khác nhau ở Úc, giống như tôi đi thăm hỏi những tôn giáo khác nhau ở Singapore, chúng ta cần mở rộng phát triển lý niệm của Phật pháp.

Thời xưa có không ít học giả và lãnh tụ của Ấn Độ giáo đều tu học Phật pháp Đại thừa. Các Ngài còn thành kính hơn, chăm chỉ hơn, y giáo phụng hành hơn so với những Pháp sư xuất gia chúng ta. Các Ngài là Bà-la-môn giáo, là Ấn Độ giáo. Những lời các Ngài nói ra là chân lý tối cao của nhà Phật, Phật pháp Đại thừa là chân lý, phản đối hư ngụy, hư ngụy chính là giả tạo. Cho nên bản thân các Ngài không rời bỏ vị trí của mình, không từ bỏ thân phận của mình mà vẫn là trưởng giả của Bà-la-môn giáo (Ấn Độ giáo), là lãnh tụ tôn giáo của họ, thế nhưng các Ngài vô cùng chăm chỉ học Phật. Điều này là tấm gương tốt nhất cho việc thúc đẩy hòa hợp giữa các tôn giáo của chúng ta ngày nay.

Thế nên Phật pháp là giáo dục, không phải là tôn giáo, chúng ta cần làm rõ điểm này, bất kỳ một chủng tộc hay bất kỳ một tôn giáo nào cũng đều nên tu học Phật pháp. Phật pháp là dạy người khai trí huệ, hiểu rõ sự và lý. Tôi thường nói Phật dạy người có ba mục tiêu: Điều thứ nhất là dạy chúng ta làm thế nào chung sống giữa người với người, ngày nay những tai nạn do con người gây ra từ đâu mà có vậy? Là do giữa người với người không hiểu được đạo chung sống nên tạo thành nhân họa. Mục tiêu thứ hai của việc dạy học là dạy người làm thế nào chung sống với đại tự nhiên, không hiểu rõ đạo lý này nên có thiên tai, thiên tai nhân họa là do chúng ta không biết cách làm người, không biết cách chung sống với hết thảy vạn vật nên tạo thành tai nạn. Hiểu được đạo lý làm người, bạn đi đến đâu cũng được mọi người tôn trọng, được mọi người hoan nghênh, nhân họa không còn nữa. Hiểu được cách chung sống với đại tự nhiên, nhất định sẽ không phá hoại hoàn cảnh sinh thái tự nhiên thì thiên tai không còn nữa. Đức Phật dạy chúng ta điều thứ ba là con người làm thế nào để chung sống với thiên địa quỷ thần, câu này nói rõ hơn một chút là con người làm thế nào để chung sống với các tôn giáo khác nhau. Phật dạy chúng ta đối với bất kỳ tôn giáo nào hay Thần minh mà họ đang sùng bái, chúng ta cần tôn kính Thần Thánh, cần bình đẳng tôn kính. Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường” nên chúng ta cần thực hiện một cách bình đẳng. Làm tốt ba điều này rồi thì thiên hạ thái bình, xã hội an định, người người đều hưởng hạnh phúc. Đây là giáo huấn của Phật-đà, cho nên trong Phật giáo không có giới hạn, không phân biệt quốc gia, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt bên này với bên kia mà tôn trọng lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Đây chính là Phật pháp.

/ 128