553

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 35

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Chúng ta xem tiếp Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 27:

 “Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường”.  (Chẳng phô bày sự kém cỏi của kẻ khác, chẳng khoe khoang cái hay của chính mình)

Hai câu nói này xem ra rất bình thường, nhưng có quan hệ rất lớn đối với người tu hành chân chánh. Mở đầu của tiểu chú nói rất hay: “Nghe nhược điểm của người như nghe tên của cha mẹ, tai có thể nghe nhưng miệng chớ nên nói”. Lời nói này là vào xã hội xưa, hiện nay chúng ta rất khó thể hội điều này. Trung Quốc thời xưa, có thể nói là từ triều Hán mãi cho đến triều Thanh, trước sau duy trì lễ chế, gọi là “dùng lễ trị thiên hạ”. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu. Vào thời xa xưa, nếu có quan hệ vô cùng mật thiết thì mới được gọi người khác bằng tên. Thông thường tên của một người, ở trong một đời chỉ có hai người có thể gọi tên của người đó, một người là cha mẹ, một người là thầy. Lễ xưa, con trai 20 tuổi trưởng thành thì hành quan lễ (quan lễ chính là nghi thức đội mũ). Hai mươi tuổi là thành niên rồi, đội mũ là biểu thị họ đã trưởng thành. Bắt đầu từ ngày này trở đi, anh em, bạn bè, bạn học cùng trang lứa của họ, mọi người cùng chúc mừng họ, đồng thời tặng cho họ một cái tên tự (tên riêng), cho nên họ có tên chính danh và tên tự. Tên chính danh của họ thì không được gọi mà chỉ gọi tên tự, đây là tôn kính đối với họ. Cho nên sau khi thành niên, chỉ có cha mẹ và thầy là những người có thể gọi tên chính danh của họ. Cho dù làm quan ở triều đình, Hoàng đế đối với họ cũng gọi tên tự, chứ không gọi tên chính danh, đây là tôn kính đối với họ. Nếu như Hoàng đế không gọi tên tự mà gọi tên chính danh của họ thì người này đã có tội rồi, không đối xử với họ giống như người thường, nói cách khác, họ đang đợi xử tội. Một người thông thường, không phải ai cũng có thể tùy tiện gọi tên chính danh của họ, huống chi con cái đối với tên của cha mẹ, không dám gọi. Người khác gọi tên cha mẹ của họ, họ có thể nghe, họ dứt khoát không được nói.

Ở chỗ này nói “Bất chương nhân đoản”, dùng thí dụ này, ý nghĩa này rất sâu xa. Nghe thấy người khác nói đúng sai, nói hay dở thì cũng giống như nghe người ta nói tên của cha mẹ bạn vậy. Bạn chỉ được nghe, bạn không được nói, nói là đại bất kính, là đại bất hiếu đối với cha mẹ. Chú giải dùng ví dụ này rất hay. Hiện nay không có người học lễ, cũng không có người giảng lễ. Đọc đến câu này, người hiện tại hiểu được không nhiều, cũng không có cách gì thể hội được, thậm chí là ý nghĩa này rốt cuộc rộng cỡ nào, người hiện nay cũng không thể tưởng tượng được.

Vào thời xưa, việc xưng hô được vô cùng coi trọng, dứt khoát không được lộn xộn. Đây là nền tảng của giáo dục luân lý. Thế nhưng người phương Tây không có, ngay cả khái niệm này cũng không có. Người phương Tây, con cái tùy tiện gọi tên của cha mẹ. Điều này không nhìn thấy trong xã hội xưa của Trung Quốc. Trung Quốc vào thời xưa, tôn kính đối với một người thì ta gọi tên tự, đây là bình thường. Nếu họ có đạo đức, có học thức, có cống hiến đối với quốc gia xã hội thì mọi người cũng không gọi tên tự của họ, mà đặt cho họ một danh hiệu khác, gọi là hiệu. Đây là đối với họ càng tôn kính hơn. Nếu rất mực tôn kính thì ngay cả hiệu cũng không gọi, mà gọi địa danh của họ. Ví dụ như Lý Hồng Chương, Hồng Chương là danh của ông. Ông làm đến Tể tướng, được đại chúng xã hội tôn kính, cho nên ngay cả tên chính danh, tên tự và hiệu của ông, người ta đều không gọi, mà gọi là Lý Hợp Phì (ông là người Hợp Phì), gọi địa danh của ông. Điều này không những tôn kính đối với ông mà đối với quê hương của ông cũng tôn kính. Hợp Phì đã sinh ra nhân vật lớn như vậy, đây là vinh dự của toàn bộ người Hợp Phì.

Thông thường xã hội cũng dùng phương pháp này để xưng hô đối với người xuất gia. Thời triều Tùy có Trí Giả Đại Sư, gọi “Trí Giả” đã là rất tôn kính đối với Ngài rồi. Pháp danh của Ngài là Trí Khải, nhưng không gọi Trí Khải mà gọi Trí Giả, đây là rất tôn kính rồi. Nhưng hết sức tôn kính thì ngay cả tên này cũng không gọi, mà gọi là Thiên Thai Đại Sư, vì Ngài trụ tại núi Thiên Thai. Rất mực tôn kính thì gọi địa danh nơi họ ở, nơi họ sinh ra và lớn lên, hoặc là nơi họ thường sinh sống. Điều này chúng ta đã thấy rất nhiều ở trong sách xưa. Phàm là loại xưng hô này thì đều được người thông thường trong xã hội đương thời phổ biến kính ngưỡng.