/ 128
1.383

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 6


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời xem câu thứ tư phần chánh văn của Cảm Ứng Thiên: “Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn” (giảm thọ thì nghèo khó hao tổn, gặp nhiều buồn lo hoạn nạn), đây là một câu, cũng là nói đến một sự việc. Từ câu này đến câu thứ chín: “Toán tận tắc tử” (tuổi thọ hết thì phải chết) đều là nói rõ một cách tỉ mỉ chân tướng sự thật này. Thế nào gọi là “toán”? “Toán” là tính toán, cũng chính là chúng ta thường nói tăng giảm cộng trừ. Vận mệnh đương nhiên là có, do nghiệp đời trước đã tạo mà cảm đến quả báo. Nếu trong đời này không làm việc đại thiện đại ác thì đại khái vận mạng của cả đời sẽ diễn ra theo số mạng đã định. Đây chính là thông thường người ta gọi là số phận, ngạn ngữ gọi là“Nhất sanh giai thị mạng, bán điểm bất do nhân (cả đời đều do số mạng, không có một chút nào do con người quyết định). Đây là nói không có làm những việc đại thiện đại ác.

Nhưng nếu bạn phát tâm hành thiện thì cái thiện trong số mạng của bạn sẽ tăng thêm. Nếu như bạn tạo ác thì phước báo đời trước mà bạn đã tu sẽ bị giảm đi, cho nên ngày ngày đều có tăng giảm cộng trừ. Chúng ta khởi tâm động niệm lời nói việc làm, mỗi ngày đều có tăng giảm cộng trừ. Nếu mức độ tăng giảm cộng trừ không lớn thì vận mạng của bạn vẫn sẽ bị người khác tính ra được rất chính xác. Vận mạng cá nhân như vậy, vận mạng gia đình cũng như vậy, là gia vận, đoàn thể cũng không là ngoại lệ, thậm chí đến quốc gia, thế giới. Trên thế giới có rất nhiều nhà tiên tri nói về kiết hung họa phước của thế giới. Đây là nói cái lớn, nó đều có một định số.

Định số không phải Phật Bồ-tát định cho bạn, cũng không phải thần linh định cho bạn. Ai định cho bạn vậy? Vận mạng cá nhân là do chính mình tạo tác; gia vận của bạn là tạo tác của người cả nhà, là cộng nghiệp của người cả nhà; quốc vận là cộng nghiệp của người cả một nước; thế vận là cộng nghiệp của tất cả người trên thế giới. Xem bạn tạo tác như thế nào thì biết được sẽ có quả báo như thế nào. Nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân ác nhất định cảm ác báo, đây là chân lý. Chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian thuần thiện vô ác, vẫn không rời khỏi chân lý của nhân quả.

Kinh Pháp Hoa nói: “Nhất thừa nhân quả”, kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngũ châu nhân quả”. Đều không rời khỏi định luật của nhân quả. Cho nên, Phật pháp mới nói “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả vì sao bất không? Nhân quả chuyển biến bất không, nhân sẽ biến thành quả, quả lại biến thành cái nhân mới; nhân quả vĩnh viễn tuần hoàn, vĩnh viễn luân chuyển, đây gọi là nhân quả bất không. Những nghiệp nhân quả báo, kiết hung họa phước này vĩnh viễn tuần hoàn, đây chính là tương tục bất không. Đây là đại đạo lý, là chân tướng sự thật.

Phật dạy chúng ta lìa tướng. Không thể chấp trước tướng thế gian, cũng không thể chấp trước tướng Phật pháp. Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”. Cái pháp đó là Phật pháp, “Pháp còn nên xả”, chính bởi vì Phật pháp là do duyên sanh. Pháp do duyên sanh không có tự tánh, “đương thể giai không, liễu bất khả đắc” (bản thể đều là không, không thể nào nắm lấy được). Thế pháp, Phật pháp đều không ngoại lệ, cho nên đều không thể chấp trước; phân biệt chấp trước thì sai. Quả thật có thể làm được không phân biệt, không chấp trước thì thế pháp và Phật pháp không có gì khác biệt. Những đạo lý này trong kinh điển Đại thừa nói rất nhiều. Phải tỉ mỉ mà quan sát hết thảy hiện tượng thì chúng ta mới có thể thật sự có được thọ dụng, phá mê khai ngộ lìa khổ được vui.

Chúng ta quan sát hoàn cảnh sinh hoạt hiện nay, cả thế giới đều đang động loạn. Đáng sợ nhất là chúng sanh tạo nghiệp. Nghiệp tạo tràn đầy thì quả báo sẽ hiện tiền. Người xưa nói, người làm ác mà hiện tại vẫn chưa nhận lấy ác báo, không phải là không báo, chỉ là thời giờ chưa đến. Những sự thật này, trong lịch sử có ghi chép, toàn bộ lịch sử đều là dựa theo nhân duyên quả báo mà ghi chép. Những hiện tượng ngày nay bày ra trước mắt chúng ta, chúng ta xem người hiện nay họ đang nghĩ gì, họ nói gì, họ làm gì, quả báo tương lai là thiện, là ác; là kiết, là hung; là họa, là phước, chẳng phải đã rõ ràng rồi hay sao?

Người trong đời quá khứ tu phước, đến đời này không biết tiếp tục tu phước, mà chỉ chuyên môn tạo ác thì phước của họ dần dần bị giảm đi. Đây chính là “Toán giảm”. “Bần” là tiền tài bị mất hết. “Hao” là hao tổn. Hao tổn đến mức nghiêm trọng là nhà tan người mất, thậm chí đến quốc gia diệt vong. “Đa phùng ưu hoạn”. Ngày nay chúng ta sống ở thế gian này, hai câu nói này đích thực là miêu tả đời sống hiện tại của chính chúng ta. Chúng ta trong đời quá khứ cũng xem là có tu được chút phước báo, đời này tạo ác, ác báo vẫn chưa hiện tiền, vẫn còn dư phước để hưởng, phước báo trong đời quá khứ đã tu không nhỏ. Do đây có thể biết, trong đời này của chúng ta, nếu như không làm ác mà còn nỗ lực làm thiện thì phước báo trong đời này của chúng ta chắc chắn là vượt hơn hiện nay rất nhiều.

/ 128