/ 128
3.048

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 2


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Trong Kinh Dịch thời cổ Trung Quốc có câu:

Tích thiện chi gia,

Tất hữu dư khánh;

Tích bất thiện chi gia,

Tất hữu dư ương.

(Nhà tích chứa điều thiện ắt có nhiều niềm vui, nhà tích chứa điều ác ắt có nhiều tai ương).

“Tất” nghĩa là “chắc chắn”, là từ ngữ rất khẳng định, cũng chính là nói nhân quả báo ứng là sự thật nhất định, người thế gian gọi là chân lý. Nếu người nào tu thiện tích đức thì người đó nhất định phát phước, phước báo sẽ tự nhiên hiện tiền. Nếu tạo tác của một người đều là bất thiện, cho dù gia đình họ có phước báo, tổ tông cha mẹ của họ có phước báo, họ sanh vào nhà phú quý, nhưng nhất định họ sẽ thân bại danh liệt. Những sự việc nhà tan người mất này không những trong lịch sử xưa ghi chép lại rất nhiều, nếu chúng ta tỉ mỉ quan sát xã hội hiện nay, bất luận ở trong nước, ngoài nước, chỉ cần để ý một chút thì bạn đều có thể nhìn thấy, chứng minh những lời cổ nhân đã nói nhất định là chuẩn xác. Đạo lý của cảm ứng chính là muốn chúng ta nhận biết nhân duyên quả báo, hiểu rõ nhân duyên quả báo, khẳng định sự thật của nhân duyên quả báo, làm thành tiêu chuẩn làm người trong đời này của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ tự nhiên kiềm chế được, làm chủ được sự khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của mình, biết hướng đến cái tốt, tránh cái xấu; biết đoạn ác tu thiện. Đây là giáo hóa của Thánh Hiền nhân. Đây gọi là giáo dục.

Con người hiện nay, xã hội hiện nay có nhận được sự giáo dục hay không? Có thể nói là không. Quốc gia làm nhiều trường học như vậy, rốt cuộc là vì cái gì? Tôi nhớ lại lúc mới xuất gia, khi đang quét rác ngoài cửa chùa Lâm Tế ở Viên Sơn, lúc đó khu vườn ngoài cửa rất lớn, có rất nhiều cây, mỗi ngày phải đi quét lá cây rụng. Tôi gặp mấy cậu sinh viên đi con đường đó lên Viên Sơn chơi, cử chỉ hành vi của họ không giống người có học. Sau khi xem thấy, tôi rất cảm thán, nên đã thốt lên một câu:“Đáng tiếc, những người này chưa được giáo dục”. Tôi nói như vậy với những huynh đệ đang quét lá cùng tôi. Vậy mà mấy người kia nghe được, ba người họ liền quay lại hỏi tôi: “Ông nói chúng tôi chưa được giáo dục có phải không?”. Tôi nói: “Đúng vậy, không sai! Trông không giống như người đã được giáo dục”. Họ nói: “Chúng tôi là sinh viên khoa Luật năm thứ tư của trường Đại học Đài Loan, sao ông nói chúng tôi chưa được giáo dục?”. Họ lý luận với tôi như vậy. Tôi nói: “Được! Các vị nói các vị đã được giáo dục rồi, vậy tôi hỏi các vị, chữ “giáo” giảng giải như thế nào, chữ “dục” giảng giải như thế nào và “giáo dục” giảng giải ra làm sao? Hãy nói cho tôi nghe xem”. Họ không thể nói ra được, thế là dáng vẻ kiêu căng của họ liền hạ xuống. Đây là học trò của bốn mươi mấy năm về trước, học trò thời nay thì khác rồi, khi đó dáng vẻ kiêu căng của họ liền hạ xuống, họ hỏi ngược lại tôi, thỉnh giáo với tôi. Tôi liền nói với họ: “Giáo dục là đạo lý dạy bạn làm người, các bạn đã học qua chưa? Thật sự là chưa học qua. Giáo dục xưa của Trung Quốc, từ thời Hạ, Thương, Chu, mãi đến cuối đời nhà Thanh, tông chỉ đều không thay đổi. Trong giáo dục có ba mục đích:

- Thứ nhất là dạy bạn mối quan hệ giữa người và người. Hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, thương yêu anh em, thân ái với bạn bè, là dạy bạn những thứ này.

- Thứ hai là dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người và đại tự nhiên.

- Thứ ba là dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa con người và thiên địa quỷ thần.

Các bạn đã học qua chưa? Các bạn chưa hề học qua. Áp dụng trong đời sống, giáo dục tiểu học dạy bạn tưới nước, quét sân, các bạn đã học qua chưa? Vẫn chưa học qua. Cho nên khi tôi nhìn thấy bộ dạng của các bạn thì biết là các bạn chưa học qua giáo dục này”. Họ hỏi ngược lại tôi: “Hiện tại chúng tôi đang học đại học, vậy được xem là cái gì?”. Tôi nói: “Bạn hỏi rất hay! Hiện giờ các bạn đang học đó gọi là “Trường dạy và học tri thức”. Tôi dùng cái tên gọi này, các bạn cảm thấy có đạo lý hay không? Bảng hiệu của trường đại học đó phải nên lấy xuống. Nên gọi là “Trường cao đẳng dạy và học tri thức”. Đây là danh xứng với thực, nó không phải là giáo dục.

Hầu hết mọi người ngày nay đều đã lơ là bỏ quên giáo dục. Cho nên xã hội mới động loạn, đời sống nhân dân khó khăn, không phải là không có nguyên nhân. Xã hội chỉ biết truyền thụ khoa học kỹ thuật, còn căn bản của giáo dục thì lại bỏ mất. Giáo dục của nhà Phật, Ngài Thanh Liên Đại sư, ở trong Luân Quán Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh đã trích lục ra ba mục tiêu giáo dục của nhà Phật:

/ 128