/ 7
761

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thánh Hà Tây

Tập 2

Tông chỉ tu học quan trọng nhất của bản kinh chính là đoạn thứ nhất của kinh văn: “Quán tự tại Bồ Tát, hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Phía trước đã giới thiệu sơ lược qua năm uẩn rồi. Sắc uẩn đã bao gồm mọi hiện tượng vật chất. Tinh thần đối lập với vật chất, phương diện này tổng cộng có bốn uẩn là thọ, tưởng, hành, thức. Bốn loại này cũng là pháp do nhân duyên sanh. Trong kinh đại thừa thường nói: “Tánh không duyên khởi”, phàm là pháp do nhân duyên sanh đều không có tự thể. Đây là quan sát đến tướng chân thực của hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần. Tướng chân thực là tướng không. Trong tiểu chú đã giới thiệu đơn giản nghĩa không này có bốn loại.

- Ý của cái không thứ nhất nghĩa là không hề có gì cả, cái này dễ hiểu. Pháp do nhân duyên sanh đều không có tự tánh, cho nên tự thể của nó không phải thật và rốt cuộc đều là không. Điều này dễ hiểu.

- Ý thứ hai có nghĩa là hư không, tuy không có tướng thô, nhưng nó có tướng vi tế. Tất cả các pháp đều có nghĩa của hư không, chúng ta cần phải dùng trí tuệ quan sát, mới có thể thể hội được.

- Ý thứ ba nghĩa là không tâm.

- Ý thứ tư nghĩa là không pháp.

Nghĩa không mà trong kinh luận đại thừa thường nói, kỳ thực là thiên về hai loại phía sau này. Không tâm là trong tâm thanh tịnh, không hề có mảy may nhiễm trước, đây có nghĩa là không tâm, cũng có nghĩa là lìa niệm. Trong kinh luận thường nói: lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên thì chúng ta mới có thể quan sát được chân tướng của sự thật. Cách nói này, thảy đều đã bao hàm bốn loại nghĩa không này. Không pháp, nghĩa là không là chân tướng của các pháp, vì tất cả pháp thì tướng có, thể không, sự có, lý không. Do đó, tất cả các pháp rốt cuộc không thể được. Trong Kinh Kim Cang dùng mộng huyễn bào ảnh để hình dung là vô cùng thích hợp. Người nào có thể nhìn thấu, thấy rõ ràng, thấy tường tận được chân tướng sự thật rồi, thì tất cả mọi khổ nạn này tự nhiên sẽ biến mất. Vậy rốt cuộc là đạo lý gì vậy? Mọi khổ nạn sinh ra là do mê nên làm mất đi chân tướng sự thật. Khi đã mê mất chân tướng sự thật thì sẽ có vọng tưởng, sẽ có chấp trước. Vọng tưởng, chấp trước khiến chúng ta bị vô lượng vô biên khổ nạn. Thấy rõ chân tướng sự thật rồi, thì vọng tưởng được tiêu trừ, chấp trước vĩnh viễn chấm dứt, cho nên liền xa lìa tất cả khổ nạn. Đây gọi là qua tất cả khổ nạn. Trong biểu giải nói đơn giản cho chúng ta. Thứ nhất là bảo chúng ta “Đế quán thân tâm, đản kiến ngũ uẩn”. Đế có nghĩa là tỉ mỉ. Quán là dùng trí tuệ quán sát. Thân của chúng ta là sắc uẩn. Tâm là thọ, tưởng, hành, thức. Quan sát tỉ mỉ, chỉ thấy năm uẩn. Trong năm uẩn tìm tướng nhân ngã đều không thể được, thế là vô lượng kiếp đến nay, cái chấp trước hư vọng về chấp ngã này liền bị phá. Mọi phiền não đều sinh ra từ chấp ngã, cho nên không còn chấp ngã thì phiền não liền dứt. Sau khi phiền não dứt rồi, chúng ta muốn tìm sáu cõi luân hồi cũng không thể được. Nguyên nhân gì vậy? Sáu cõi luân hồi là từ phiền não chướng biến hiện ra. Cho nên bốn quả La Hán của tiểu thừa đoạn được kiến tư phiền não, họ liền thoát khỏi sáu cõi luân hồi, đạo lý là ở chỗ này. Như vậy là trong sáu cõi phần đoạn sinh tử đã xong.

Chúng ta lại dùng trí tuệ quan sát tỉ mỉ năm uẩn. Uẩn từ duyên sanh, nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không có tự thể, duyên sanh tánh không. Như vậy tìm tướng năm uẩn cũng là không thể được, chấp pháp của chúng ta cũng không còn. Chướng ngại mà chấp pháp sinh ra chính là sở tri chướng. Sở tri chướng làm chướng ngại Bồ Đề, làm chướng ngại niết Bàn. Hết sở tri chướng thì Bồ Đề, Niết Bàn tự nhiên sẽ hiện ra và biến dịch sanh tử cũng dứt. 600 quyển đại Bát Nhã, nghĩa kinh chân thật của nó là ở quyển này. Cho nên đức Phật vì chúng ta nói ra chân tướng sự thật quả thật không khó, có thể chỉ cần nói một câu là xong, một câu là tột lý. Nhưng tại sao trong một câu này chúng ta rất khó lãnh hội, rất khó tiếp nhận, rất khó khế nhập vậy? Đó là do chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, vọng tưởng, chấp trước quá kiên cố, không gì phá vỡ nổi. Cho nên phải nhọc đến bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta mà mất hết thời gian 22 năm để nói ra chân tướng sự thật này. Bộ Tâm Kinh đây chính là tổng cương lĩnh của chân tướng này.

Khởi đầu là nói tông chỉ tu học Bát Nhã. Dưới đây phải nói rõ cặn kẽ năm uẩn, cái chân tướng của 12 xứ và 18 giới để tiện lợi cho chúng ta quan sát. Nếu như không có sự quán chiếu của trí tuệ chân thật thì rất khó mà thấu triệt được những chân tướng sự thật này. Cho nên đoạn thứ hai của kinh văn là trình bày rõ về sắc không.

/ 7