A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 29
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi bảy:
(Tự) Cái diêu niệm không chân niệm, sanh nhập vô sanh, niệm Phật tức thị niệm tâm, sanh bỉ bất ly sanh thử. Tâm, Phật, chúng sanh nhất thể, trung lưu lưỡng ngạn bất cư. Cố vị tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ.
(序)蓋繇念空真念。生入無生。念佛即是念心。生彼不離生此。心佛眾生一體。中流兩岸不居。故謂自性彌陀。唯心淨土。
(Tựa: Ấy là do niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm. Từ sanh tử nhập Vô Sanh Nhẫn, niệm Phật chính là niệm tâm. Sanh về cõi kia, nhưng chẳng lìa sanh trong cõi này. Tâm, Phật, và chúng sanh có cùng một Thể, giữa dòng và hai bên bờ đều chẳng ở. Do vậy nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”).
Trong đoạn lời Tựa này, đại sư đã tán thán bộ kinh A Di Đà đến mức không còn gì có thể nói thêm được nữa. Chúng ta đọc tới đoạn văn này, có thể nói là không ai chẳng cảm động. Lời tổng kết ở đây tiếp nối ý “tu nhân chứng quả” trong phần trước, đặc biệt quy kết tự tánh và duy tâm, ý nghĩa này chẳng hai, chẳng khác với các bộ kinh lớn trong Nhất Thừa Viên Giáo. Do vậy, chúng tôi thường nói: Kinh này là pháp môn bậc nhất trong hết thảy các pháp môn, là kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh. Từ đoạn lời Tựa này, chúng ta có thể cảm nhận hết sức thân thiết [những ý nghĩa ấy]. Câu thứ nhất trong đoạn lời Tựa này là “cái diêu niệm không chân niệm” (do bởi niệm đến rỗng không mọi đối đãi thì sẽ là chân niệm), chữ “niệm” chỉ niệm Phật, sách Diễn Nghĩa đã chú giải như sau:
(Diễn) Niệm không chân niệm giả.
(演) 念空真念者。
(Diễn: Niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không thì sẽ là chân niệm).
Đây đều là do “niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm”, niệm Phật có chân niệm. Đã có chân niệm thì đương nhiên có bất chân niệm. Do vậy, chúng ta niệm câu Phật hiệu này, dùng ngay tiêu chuẩn này để đối chiếu, hòng xét xem câu Phật hiệu của chính mình có phải là chân niệm hay không?
(Diễn) Niệm tức niệm Phật chi niệm. Chân niệm tức Chân Như Thể. Niệm đáo cực xứ, hòa niệm thoát lạc, đốn ly niệm tướng, vị chi “niệm Không”. Ly niệm tướng giả, đẳng hư không giới. Pháp giới nhất tướng, tức thị bình đẳng Pháp Thân, cố vân “chân niệm”.
(演)念即念佛之念,真念即真如體,念到極處,和念脫落,頓離念相,謂之念空。離念相者,等虛空界,法界一相,即是平等法身,故云真念。
(Diễn: Chữ “niệm” [trong câu “niệm tới mức mọi đối đãi rỗng không, sẽ là chân niệm”] chính là chữ niệm trong niệm Phật. “Chân niệm” chính là bản thể của Chân Như. Niệm đến mức tột cùng, năng niệm lẫn sở niệm đều mất, nhanh chóng lìa khỏi tướng niệm, nên gọi là “niệm Không”. Lìa khỏi tướng niệm sẽ bằng với hư không giới. Pháp giới nhất tướng, tức là Pháp Thân bình đẳng, nên gọi là “chân niệm”).
Trong phần trước, từ sự chứng quả mà nói tới cảnh giới Nhất Chân pháp giới, đấy cũng là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn. Phật pháp, nói đơn giản, chính là pháp “phá mê, khai ngộ”. Hết thảy kinh luận đều giảng đạo lý này, vô lượng pháp môn đều nhằm dạy chúng ta phương pháp phá mê khai ngộ. Cảnh giới giữa mê và ngộ khác nhau. Do vậy, trong kinh luận, đức Phật thường giảng về cảnh giới của các giai đoạn khác nhau. Vì thế, người thường đọc tụng kinh điển Đại Thừa, nếu đối với cảnh giới của chính mình mà mười phần hiểu rõ, chắc chắn chẳng mê hoặc. Không mê là giác, càng khẩn yếu hơn nữa là phải không ngừng nâng cao sự giác ngộ; đó gọi là học Phật.
Trong hết thảy pháp môn tu học, không gì hơn được pháp môn Niệm Phật. Chúng tôi đang giảng bộ kinh này đến chỗ này, tôi nghĩ mỗi vị đồng tu ít nhiều cũng đều thông hiểu, biết được sự thù thắng của pháp môn này; bởi lẽ, do một câu A Di Đà Phật có thể chứng được Pháp Thân bình đẳng, hoặc như trong các kinh, [thân ấy] thường được gọi là “thanh tịnh Pháp Thân”. Đấy chính là như Ngẫu Ích đại sư đã nói trong sách Yếu Giải: Pháp môn này thẳng chóng nhất, ổn thỏa và thích đáng nhất, đơn giản và dễ dàng nhất. Không còn có pháp môn nào khác, vừa dễ dàng, vừa ổn thỏa, thích đáng bằng pháp môn này. Đấy cũng chính là như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng cần nhờ đến phương tiện nào khác, tâm tự được khai ngộ). “Tâm khai” là khai ngộ, ngộ nhập thanh tịnh Pháp Thân, ngộ nhập pháp giới nhất tướng. “Pháp giới nhất tướng” chính là Nhất Chân pháp giới, là cảnh giới được chư Phật và các vị đại Bồ Tát đích thân chứng đắc. Kinh Hoa Nghiêm gọi cảnh giới ấy là Nhất Chân pháp giới. Tuy chúng ta còn chưa chứng đắc, nhưng chỗ này có ích rất lớn cho chúng ta, vì chúng ta có thể dùng tiêu chuẩn ấy để thường xuyên kiểm nghiệm cảnh giới của chính mình.