Giới Luật    

Tiểu Tạng Thanh Văn - Luật Tứ Phần Tập 1 (Dành riêng cho Chư Tăng)

1.560
Tiểu Tạng Thanh Văn - Luật Tứ Phần Tập 1 (Dành riêng cho Chư Tăng)
Tác giả: Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm
Nhà xuất bản: Phương Đông
Người dịch: Tỳ-kheo Thích Đổng Minh
Người đọc: Trường Tân


Bản dịch Luật Tứ phần ấn hành lần thứ nhất PL 2546 (2002) chỉ mới gồm 30 quyển trong bản Hán, phân thành ba tập, nội dung thuyết minh giới pháp Tỳ-kheo (tập1 & 2), và giới pháp Tỳ-kheo-ni (tập 3), phổ biến giới hạn trong các giảng khóa và các trường Luật để làm tư liệu học tập, nghiên cứu Giới bổn Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng để ấn hành tiếp các phần còn lại, nhất là trước khi Hòa thượng dự tri thời chí; nhưng do điều kiện hoàn cảnh cho nên công việc ấn hành chưa được hoàn tất. Ngay sau ngày Hòa thượng xả bỏ thắng dị thục thân, các đệ tử, các học trò môn hạ của Hòa thượng tập trung nỗ lực hoàn tất các sự việc còn lại để ấn hành kịp trước ngày Đại tường.

Thật sự, Luật bao gồm những quy ước cho các quan hệ xã hội. Mỗi xã hội, do yếu tố địa lý, lịch sử, hình thành những truyền thống dị biệt, những nền văn minh dị biệt. Cho nên, không thể tìm thấy hoàn toàn sự nhất trí giữa hai truyền thống văn minh trong một bộ Luật. Luật Tỳ-kheo cũng không thoát ly khỏi giới hạn này. Cho nên, trong nhiều trường hợp, vấn đề chuyển ngữ là bất khả. Chính vì vậy mà các dịch giả Luật trong Hán tạng nhiều khi chỉ có thể phiên âm, và cũng không có bất cứ giải thích để biết từ phiên âm ấy trỏ vào vật gì, cụ thể là cái gì. Điều này các dịch giả Luật từ Pāli sang tiếng Anh cũng gặp phải. Như I. B Horner, The Book of The Discipline, và F. Max Muller, Vinaya Texts (The Sacred Books of The East) nhiều từ, nhiều đoạn văn phải để trống, và thú nhận là không thể dịch.

Bản dịch Tứ phần luật này của Hòa thượng cùng với sự hiệu chính và chú thích đã được Hòa thượng xem lại, nhưng chúng tôi không thấy Hòa thượng chỉ dạy gì thêm về những sai lầm có thể có trong khi hiệu chính và chú thích; vì vậy đây có thể được coi là bản dịch chuẩn với sự ấn khả của Hòa thượng.

Ngoài bản dịch Tứ phần luật, hòa thượng còn dịch các văn bản Luật khác như Luật Trùng trị của Trí Húc, chú giải giới bản của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo sớ nghĩa ngài Truyền Nghiêm soạn tập, Di-sa-tắc bộ Hòa-hê ngũ phần luật, và luật Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da, Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ Bí-sô-ni Tỳ-nại-da, Căn bản thuyết nhất thiết Hữu bộ Bách nhất yết-ma. Các bản dịch này được biên tập dưới dạng bản thảo, chưa được nhuận sắc, hiệu chính và chú thích. Chúng tôi hy vọng những đệ tử kế thừa y bát của Hòa thượng sẽ chú tâm thực hiện các phận sự này, một là để không phụ ân đức giáo dưỡng tài bồi của Sư Trưởng, hai là góp phần vào sự tăng trưởng hưng thịnh của Tăng-già, tiếp nối mạng mạch của Chánh pháp, làm chỗ nương tựa và phước điền cho thế gian.
Zip