Kinh Thủ Lăng Nghiêm - HT Thích Từ Quang dịch
2.921
Kinh Thủ Lăng NghiêmNgười dịch: HT Thích Từ Quang
Người đọc: Tuấn Anh, Kiều Hạnh, Thùy Anh, Ngọc San
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đức Phật từ bi vô lượng không phân biệt thân sơ giai cấp chủng tộc, suốt đời truyền bá một giáo lí đại đồng và lúc nào cũng muốn giáo lí đó được hiển minh phổ biến khắp vũ trụ sơn hà, từ thành thị chí thôn quê, bất luận xuất gia hay tại gia, quan hay dân, giàu hay nghèo, ai ai cũng hấp thụ được chỉ có mỗi người tùy căn cơ riêng mà lãnh hội. Vì nhân quả bất đồng căn cơ khác nhau mỗi người mỗi cảnh bá nhân bá tánh thành thử chúng sanh không thể tu hành bằng một cách thức như nhau. Thế nên xưa đức Phật tùy cơ duyên giảng dạy vô lượng pháp môn, cốt yếu là quá độ chúng sanh tuần tự nhi tiến đến quá vị trọn lành.
Thật ra tôn ý của Phật chỉ thuyết Phật thừa duy nhất, vì đại nguyện của Phật muốn tất cả chúng sanh đều thành Phật, sở dĩ chúng sanh không thành Phật được là tại chúng sanh tạo tác vọng nghiệp tất phải thọ báo, vay rồi trả, trả đủ lại vay, sống luẩn quẩn trong vòng nghiệp báo mê khổ. Ở thế gian từ phụ tử, mẫu tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu, chủ tớ, nam nữ, lão ấu dĩ chí sanh lão bệnh tử, ái biệt li, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ uẩn thạnh, tám vạn tư trần lao đều do nghiệp sanh ra.
Nghiệp không phải tự có, nhưng có là tại tâm, hễ tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt, tất cả pháp đều do tâm sanh, tâm không sanh thì pháp không có chỗ trụ. Làm Phật làm ma, làm thánh làm phàm, thiện ác phước tội, không dại trí ngu,... nhất thiết duy tâm tạo.
Đành rằng sống ở thế gian, ai cũng có định mạng, đó làm nghiệp tiền kiếp là nhân cảm thọ quả báo. Nhưng nếu hiểu thấu luật nhân quả, cảm ứng thiên nhiên trí công thì nhận thức định mạng không phải bất di bất dịch. Định mạng do tâm mà có, dĩ nhiên cải thiện là quyền ở tâm, chớ không phải ở định mạng, vì thế làm Phật tử chẳng bao giờ chịu thúc thủ trước định mạng và luôn luôn cải thiện định mạng, hoặc xấu thành tốt, hoặc tốt càng tốt hơn, đó là tu hành.
Đức Phật có sẵn tâm từ bi cứu độ chúng sanh, nhưng đối với hạn người không tu hành thì tâm Phật dẫu từ bi cách nào cũng vô phương cứu độ. Đức Phật có sẵn thuyền bát nhã huyền diệu đủ năng lực để mang người vượt biển khổ lên bờ giác, nhưng đối với hạn người không chịu xa lìa bến mê thì thuyền bát nhã dẫu huyền diệu cách nào cũng vô hiệu quả. Đức Phật là thầy mô phạm, chuyên dạy chân lý giải thoát, nhưng hạn người chỉ biết sống theo trần tục không có nhân duyên Phật pháp thì có thể khinh thường chân lý đó. Ví như đức Phật cho cơm, nhưng hạn người không chịu ăn tức không làm sao no dạ. Vì vậy ai có túc duyên Phật nguyện tu Phật thì phải tự lực học đạo, tự lực hành đạo mới được toại nguyện.
(Lời tựa)