Loại Khác    

Vô Ngã - Thiền Sư Sayadaw U Silananda

2.644
Vô Ngã
Tác giả: Thiền sư Sayadaw U Silananda
Nhà xuất bản: Viện nghiên cứu Phật Học Việt Nam - ban Phật Học nguyên thủy
Người dịch: Tỳ Khưu Pháp Thông
Người đọc: Huy Hồ, Tuấn Anh, Kiều Hạnh.


Giáo lý vô-ngã được xem là cực kỳ khó hiểu. Người ta có thể suy xét hay suy tư về nó — song đó chỉ là một loại tri kiến có được do nghe hay do đọc. Người ta cũng có thể suy đi nghĩ lại về nó sâu sắc hơn trong trầm tư mặc tưởng. Song người ta chỉ có thể thực sự thể nhập vào nó trong lúc hành thiền Minh sát (Vipassanā) mà thôi.

Khi các hành giả (yogis: người hành thiền hay hành giả) thực hành, họ tự duy trì cái biết hay chánh niệm về mọi hiện tượng. Khi họ thấy một cái gì, chỉ có hai điều vào lúc ấy: tâm thấy và đối tượng được thấy; ngoài hai điều này ra, không có gì khác nữa. Đặc biệt hơn, thấy là một tiến trình tùy thuộc vào bốn yếu tố: con mắt, cảnh sắc, ánh sáng, và sự chú ý hay tác ý đến đối tượng. Nếu thiếu một trong bốn điều kiện này, cái thấy không xảy ra. Nếu người ta không có con mắt, không có atta (cái ngã) nào có thể làm cho họ thấy được. Chỉ khi mọi điều kiện được thỏa mãn tâm thấy hay nhãn thức mới phát sinh. Không có tác nhân nào như atta được xem là một phần của tiến trình này.

Cũng vậy, khi hành giả chú ý hay biết mình đang suy nghĩ trong lúc hành thiền, họ ghi nhận “suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ,” và trong trường hợp này họ chỉ thấy sự suy nghĩ (đối tượng) và tâm ghi nhận — họ không tìm thấy một cái ngã hay cái tôi nào trong đó. Họ cũng không thấy rằng “tôi đang suy nghĩ,” trừ phi họ thêm ý tưởng này như một ý nghĩ về sau. Thực sự họ chỉ thấy rằng (ngay lúc này) sự suy nghĩ đang xảy ra. Trong tiến trình này, người hành thiền có thể thấy tính chất vô thường của tâm và tư duy: một ý nghĩ đến, rồi đi; một ý nghĩ khác đến và đi, và điều này cứ tiếp tục như vậy. Mỗi khoảnh khắc một ý nghĩ mới đến, khởi lên và biến mất. Họ thấy một cách trực tiếp tính chất vô thường của ý nghĩ. Họ cũng có thể nhận thấy tính chất vô thường của sắc pháp (những gì thuộc vật chất), chẳng hạn như cái đau của thân, bằng cách ghi nhận sự xuất hiện và biến mất của cái đau nơi thân. Họ có thể nhận ra rằng mọi thứ đều bị bức bách bởi sự sanh và diệt, hay xuất hiện và biến mất. Sự bức bách của các hiện tượng do sanh và diệt này là đặc tính của khổ (dukkha).

Thật là không khôn ngoan, chúng ta ước muốn mọi vật phải thường hằng, ấy thế chúng ta lại nhận ra rằng mình không có năng lực gì để làm cho những vật vô thường ấy thành thường được; chúng ta nhận ra rằng chúng ta không có tư cách làm chủ hay không có thẩm quyền gì đối với mọi vật. Không có cốt lõi bên trong hay vô ngã có thể thấy trong bất kỳ hiện tượng được quan sát nào. Người hành thiền có thể khám phá bản chất vô ngã của các pháp này trong thiền Vipassanā, bởi vì nhờ Minh Sát họ dần dần đưa chánh niệm và định lên một mức độ cao hơn và rồi họ có được trí thể nhập vào bản chất thực sự của tâm và thân hay danh và sắc.

(Kinh nghiệm trực tiếp về vô ngã)
Zip