Trở Về Tâm Tổ - Thích Thông Phương
1.173
Trở Về Tâm TổTác giả: Thích Thông Phương
Nhà xuất bản: Phương Đông
Người đọc: Kim Phụng
Nhân kỷ niệm Đức Tổ sư, chúng ta cùng nhắc lại một trọng điểm trong đời sống tiến tu của mình, đó là “Sống Trở Lại Gốc”. Chúng ta hãy kiểm lại xem mình đang sống như thế nào, có gốc hay mất gốc, tại sao mình lại đành để mất gốc? Gốc của sự sống là gì? Là bản giác hay bản tâm của chính mình. Ai cũng đều có bản tâm nhưng ít ai nhận biết được. Bản tâm mình mà mình không biết là do mình lo biết nhiều thứ khác, biết phải quấy, biết hơn thua, biết yêu ghét…, biết đủ chuyện thiên hạ, còn chuyện nhà mình thì quên! Chúng ta phải kiểm lại để sống sao cho thật đúng ý nghĩa, tức sống trở lại gốc.
Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện cùng tử bỏ cha đi lang thang, ăn xin qua ngày, bữa đói, bữa no, được chút ít cho là đủ. Trong khi cha của cùng tử là một trưởng giả giàu có. Cùng tử có lúc ăn xin trở về nhà mình, gặp mặt cha cũng không dám nhận. Chúng ta cũng như cùng tử kia, có kho báu vô giá nơi chính mình lại không chịu nhận. Đó là điều đáng buồn. Bởi vậy trong nhà thiền thường nhắc chúng ta phải sống trở lại gốc.
Tất cả chúng ta ở đây các cửa đều đang mở toang, tức là thấy, nghe, hiểu, biết rõ ràng, nhưng mấy ai biết được việc trong nhà mình. Như vậy có đáng buồn không, đáng thương không? Thế mà ai cũng cho mình sống có tự chủ!
Công án này nhắc chúng ta sống phải biết gốc. Gốc đó ở ngay chính mình, ở trong chính mình và đó chính là bản tâm mình. Chúng ta đang ngồi ở đây là ngồi tại gốc hay đã đi ra xa? Phải khéo tìm lại để sống đúng.
Trong mười bức tranh chăn trâu của Thiền Tông, bức thứ nhất là Tìm trâu, tìm trâu tức là tìm tâm. Bức tranh này vẽ hình chú mục đồng ngơ ngơ ngác ngác, ngó quanh tìm kiếm bóng dáng con trâu mà không thấy đâu, mù mịt giữa núi rừng sâu thẳm, cô độc giữa nơi rừng vắng, chỉ có tiếng ve vang lên trên cành phong.
Kệ rằng:
Bôn ba vạch cỏ chạy kiếm tìm
Nước rộng non sâu lối xa thêm
Thần nhọc sức cùng không chỗ kiếm
Phong chiều riêng chỉ tiếng ve ngâm.
Chạy bôn ba tìm kiếm mà càng tìm kiếm càng thấy xa thêm, nhọc sức mà kiếm không ra, chỉ nghe một chút tiếng ve ngâm trên cây phong chiều để đánh thức tâm mình trở lại.
(Sống trở lại gốc)