Công Đức Xuất Gia - Pháp Chơn Tử
1.545
Công Đức Xuất GiaTác giả: Pháp Chơn Tử
Nhà xuất bản: Văn Học
Người đọc: Thanh Sang
Trộm nghĩ, nhân duyên giả huyễn mà chẳng rõ, đó là gốc chấp trước của chúng sanh, thấu suốt các pháp vốn chẳng sinh là lí vi diệu của bậc thánh. Do đó, chúng sinh trong ba cõi, sáu đường thường hay tạo nghiệp chướng mà tự mê muội. Vì thế, Đức Phật tùy duyên giáo hóa, thương nhà lửa đang bốc cháy, xót cõi Dục mãi mịt mù. Cho nên, Ngài nương vào cung vua Tịnh Phạn, thị hiện thân màu vàng ròng, ở trong chốn đầy phiền não mà hiện sắc hình giả huyễn, rồi dạo chơi bốn cửa thành, lại nhàm chán cảnh đời như mây trôi chẳng bền vững, Ngài tự than thở: “Đời người đổi thay bất chợt đến như thế!”. Thế rồi, ngài đã dứt bỏ tất cả để đi tìm ra chân lý hầu cứu độ quần mê.
Tuy ở Trung Quốc đời Tần có Tiêu Sử, đời Chu có Tử Tấn, đời Nghiêu Thuấn có Hứa Do rửa tai ở Ky Sơn, Trang Chu sống an bần thủ đạo ở Bộc Thủy, họ đều từ bỏ thế tục như thế, nhưng đâu có ai khinh thường?Ngược lại, còn có người ngưỡng mộ đức của họ mà bỏ ác để tu thân, khâm phục phong thái của họ mà giữ mình trong sạch để tu thiện. Cho nên, để thành tựu chí nguyện, mà phải hủy hoại dung mạo, cạo bỏ râu tóc để lĩnh hội đạo cả, mà phải lìa xa thế tục, từ bỏ ngôi vua. Tuy thân không phụng dưỡng cha mẹ, nhưng lòng luôn hiếu thảo; dù không trọn lễ thờ vua, nhưng lòng thường nhớ nghĩa. Ân huệ thấm đượm hết thảy cả kể oán người thân để thành tựu đại pháp; phúc trạch gội nhuần hai cõi âm, dương, đạo cao ngút trời, noi gương cho hàng hậu thế.
Đức Phật đã dạy: "Này thiện nam, trong sông Hằng có ba con thú lội qua đó là thỏ, ngựa và voi. Thỏ chân chẳng đến đáy lội trên mặt nước để đi qua. Ngựa hoặc chân đến đáy hoặc không đến đáy, voi thì chân tận đáy. Sông Hằng chỉ cho thập nhị nhân duyên, Thanh Văn qua sông sinh tử giống như con thỏ kia, Duyên Giác qua sông sinh tử giống như con ngựa kia, Như Lai qua sông sinh tử giống như con voi kia. Thế nên, Như Lai được gọi là Phật, còn Thanh Văn, Duyên Giác tuy hết phiền não nhưng vẫn còn tập khí. Đức Như Lai nhổ được hết tất cả các tập khí cũng như phiền não cho nên được gọi là Phật. Tuy nhiên, với tâm đức độ sanh của đức Phật, ngài chỉ có thể giáo hóa cho bất cứ ai có duyên với ngài mà thôi. Có nghĩa là những ai có duyên trong phật pháp, mỗi khi nghe hoặc đọc những bài kinh trong đây, bất chợt nhận ra duyên xưa mà phát tâm trở về với chánh pháp và lập hạnh xuất gia, tu hành trọn đời không lui sụt thì quí biết bao.
(Lời nói đầu)