100 Lời Khuyên Dạy - Giáo Lý Của Phật Giáo Tây Tạng Về Những Điều Quan Trọng Nhất - Dilgo Khyentse Rinpoche & Padampa Sangye
8.375
100 Lời Khuyên Dạy - Giáo Lý Của Phật Giáo Tây Tạng Về Những Điều Quan Trọng NhấtTác giả: Dilgo Khyentse Rinpoche & Padampa Sangye
Nhà xuất bản: Thời Đại
Người dịch: Thanh Liên
Người đọc: Tuấn Anh
OM SVASTI Sư tử của Thế giới, bậc an trụ ở Thánh Địa và những địa điểm khác Mang thân tướng con người và cuộc đời giải thoát kỳ diệu của ngài Kéo dài sáu trăm năm, Con kính cẩn đảnh lễ Đấng Siêu phàm, Trì minh vương Trường Thọ. Với dân chúng Tingri ở Tây Tạng, ngài đã thuyết “Một Trăm Bài Kệ,” Giáo lý uyên áo nhất trong những giáo lý uyên áo, Những lời trang nghiêm lẫy lừng và vang xa khắp chốn, Thì nằm trong pho sách tuyệt hảo vô cùng sáng sủa và được giảng nghĩa thấu đáo này Bởi ngài là hóa thân hiển lộ có chủ đích Của Jamyang Khyentse Wangpo, Đức Phật thứ hai của Tây Tạng; Con chân thành kính lễ Vị Hộ trì Toàn tri các Giáo lý của Thừa Siêu việt Mà ngọn lưỡi kim cương đã thốt ra những lời dạy này. Bằng cách viết lời giới thiệu cho quyển sách này, sau những vần kệ mở đầu ở trên, tôi muốn nói ít lời về vị Đạo sư được gọi là Acharya (Đạo sư) Kamalashila (Liên Hoa Giới) tại Thánh Địa Ấn Độ, và ở Tây Tạng được gọi là Padampa Sangye. Padampa Sangye đã đến Tây Tạng trong ba dịp và ngài đã sống ở đó sau chuyến du hành cuối cùng. Chúng ta có thể tin rằng khi làm như thế, ngài đã được Đức Phật dẫn dắt trong hình thức trí tuệ nguyên sơ của ngài. Quả thực, ngài được Đức Phật ban cho một viên đá kỳ diệu, và từ Ấn Độ ngài ném viên đá này về phía Tây Tạng, ước nguyện rằng nó rơi ở nơi đâu thì ngài sẽ tìm kiếm đệ tử ở đó. Sau đó ngài đi Tây Tạng để tìm viên đá. Viên đá rơi xuống một nơi gọi là Tingri Langkhor, tại Latö, ở tỉnh Tsang. Trời đổ tuyết khi Padampa Sangye đến đó. Nhưng ở chỗ viên đá rơi xuống, ngài có thể nhìn thấy một vùng đất tăm tối nơi toàn bộ tuyết ở xung quanh đã tan chảy. Ngài nói rằng khi viên đá rơi xuống, nó đã tạo thành âm thanh ting. Vì thế nơi ấy được gọi là Tingri; và ở đó Padampa Sangye đã thành lập tu viện của ngài tại nơi con hươu xạ đi thành một vòng tròn, và vì thế địa điểm đó được gọi là Lakor (hay Langkhor), có nghĩa là “được hươu xạ đi vòng quanh.” Chính trong chuyến viếng thăm lần cuối cùng này, Padampa đã gặp Đức Milarepa. Ngày nay, nơi các ngài gặp nhau và tham dự một cuộc thi thố năng lực thần diệu được gọi là Nyingje Drönkhang, “Lữ quán Bi mẫn.” Sự kiện này và những sự kiện khác đã được thuật lại trong tiểu sử của Jetsun Milarepa. Jamyang Khyentse Wangpo, vị hộ trì Bảy sự Truyền dạy, là một hiện thân của Đạo sư Kamalashila (Liên Hoa Giới), tức là Padampa Sangye; và đến lượt Jamyang Khyentse Wangpo, ngài quyết định tái xuất hiện là Thân Hiển lộ đó, Đạo sư vĩ đại của sự uyên bác và thành tựu, vị dẫn đạo mạn đà la của chúng ta, lá cờ vĩ đại mà các danh hiệu của ngài – tôi cần phải đề cập ở đây – đã trang hoàng lộng lẫy toàn thể thế giới: Dilgo Khyentse Rinpoche, Gyurme Thekchok Tenpa Gyaltsen (“Ngọn Cờ Vinh quang của Giáo lý Đại Thừa Bất biến”). Jigme Rabsel Dawa (“Vầng Trăng Chói ngời Vô úy”). Ngài là người nói ra luận giảng kỳ diệu này, và bản văn đã được Nhóm Dịch thuật Padmakara củng cố, sửa chữa, và dịch sang Anh ngữ và Pháp ngữ. Tôi vô cùng hoan hỉ khi được đọc tác phẩm này, bởi mọi tầng lớp trong xã hội, dù là Phật tử hay không, rất cần phải học tập, nghiên cứu, và thực hành bản văn tuyệt hảo này. Là một người trong số các đệ tử của các Đạo sư siêu phàm, đứng đầu là tác giả của tác phẩm này, lời giới thiệu này được viết bởi tu sĩ Phật giáo Ngawang Chökyi Lodrö ngu dốt, kẻ vô cùng tệ hại, được cho là hiện thân của Dzarong Trulshik Shadeu. Tôi chắp đôi bàn tay và viết lời cầu nguyện này vào ngày 8 tháng Mười hai năm 1999, tại Tashi Pelbar Ling tại Pháp quốc. Nguyện đức hạnh tăng trưởng!