Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia tập 1 - Sáu Giới Pháp Xuất Gia - Tỷ Kheo Ni Giới
1.115
Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia - Sáu Giới Pháp Xuất Gia - Tỷ Kheo Ni GiớiTác giả: Tỷ-kheo Trí Quang biên tập
Nhà xuất bản: Văn Hóa Sài Gòn
Người đọc: Kim Phụng
Sau khi dịch Tỷ-kheo giới rồi, để cầu siêu nhân kỳ mẹ tôi, tôi phát ra cái ý dịch luôn Tỷ-kheo ni giới và Thức-xoa-ma-na ni giới. Trước đây tôi đã dịch Sa-di giới (Sa-di luật nghi yếu lược) và Sa-di ni giới (Sa-di ni luật nghi yếu lược). Bồ-tát giới thì đã được dịch lại, và lược giải khá kỹ, năm 2531 (1987). Như vậy là tất cả giới luật của 5 chúng xuất gia đã dịch xong.
Tỷ-kheo ni giới, khi tôi dịch, chỉ tìm thấy 3 bản. Bản 1 mang số 1481 của Ðại tạng kinh bản Ðại chính, do ngài Hoài tố biên tập. Bản 2 của ngài Nguyên chiếu, nằm trong Tục tạng kinh bản chữ Vạn, tập 64 các trang 1-12. Bản 3 là giới kinh thường tụng nếu tụng Hoa văn, do Phật giáo Bắc tông khắc và ấn hành. Cả 3 bản, không có bản nào được như Tứ phần luật hàm chú giới bản của Tỷ-kheo giới, nên tôi chọn bản thường tụng làm chính văn
Tài liệu tham khảo thì ngoài phần chính là Tứ phần luật (các cuốn 22-30), còn có những tài liệu sau đây: Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích (gọi tắt là Danh nghĩa), bộ này đích xác là tự điển và từ điển của Tứ phần luật, nằm trong Vạn 70/201-501; Trùng trị, phần Tỷ-kheo ni giới (Vạn 63/292-307); Tỷ-kheo giới, bản dịch của tôi; Một bản dịch Tỷ-kheo ni giới không thấy tư tên người dịch.
Tỷ-kheo ni giới không có cái phước được chính ngài Ðạo tuyên làm việc cho, như cuốn Tứ phần luật hàm chú giới bản.
Trong cách dịch của tôi nên nói về tên của các giới điều. Bởi thấy đa số tên ấy tóm tắt và nêu lên ý chính, nên tôi dịch và để trước các giới điều. Thế nhưng đến loại 6 và loại 7, tác dụng ấy không có bao nhiêu nên tôi không dịch nữa.
Nay nên nói nội dung của Tỷ-kheo ni giới, bằng cách đối quán sơ lược với nhau giữa 5 bản Tỷ-kheo ni giới của 5 bộ luật. Tỷ-kheo ni giới có 7 loại. Trong đó, loại một là khí, thì 5 bộ luật đồng nhau; loại hai là tăng tàn, thì Tăng-kỳ có 19, Ngũ phần, Thập tụng và Tứ phần đều có 17, Hữu bộ có 20; loại ba là xả đọa, thì Tăng-kỳ, Ngũ phần, Thập tụng và Tứ phần đều có 30, Hữu bộ có 33; loại bốn là đọa, thì Tăng-kỳ có 141, Ngũ phần có 210, Thập tụng có 178, Tứ phần có 178, Hữu bộ có 180; loại năm là hối quá, thì Tăng-kỳ, Ngũ phần, Thập tụng và Tứ phần đều có 8, Hữu bộ có 11; loại sáu là học pháp, thì Tăng-kỳ có 65, Ngũ phần và Tứ phần đều có 100, Thập tụng có 107, Hữu bộ có 42; loại bảy là diệt tránh, thì 4 bộ đều có 7, trừ Ngũ phần không có.
Bây giờ nói về đại thể của Tỷ-kheo ni giới. Ðại thể ấy có 2 phần: phần 1 là giới luật, phần 2 là oai nghi. Phần 1 là những giới điều cấm tội lỗi thật sự, phần 2 là những giới điều cấm cử động bất xứng. Tức như loại khí có thể nói là giới luật cả, loại học pháp có thể nói là oai nghi cả. Còn các loại khác thì có giới là giới luật, có giới là oai nghi, có giới là cả hai. Tất cả giới luật và oai nghi như vậy tạo thành một bậc Chúng trung tôn.
Ðến đây hãy nêu lên mấy điều. Một, "ngôn ngữ của giới này ai nghe thì đừng kinh quái, phát ngượng, mà phải nghĩ đến ơn Phật, đã ly ái nhiễm, đã đắc thanh tịnh, nhưng vì chúng ta nên kiết giới với những lời chữ không phải mỹ từ" (Thiện kiến, Vạn 64/1 dẫn). Hai, về trường hợp có ra giới pháp thì đời Phật, tập thể Tỷ-kheo ni cũng không ít, vậy mà chỉ có 6 bà gọi là "lục quần Tỷ-kheo ni", và năm ba vị nữa, có những cử động bất xứng, chứng tỏ tập thể Tỷ-kheo ni ấy xứng đáng không ít. Ba, số lượng của giới điều thật ra cũng không nhiều lắm, dò kỷ sẽ thấy con số 348 có thể qui nạp còn quá nửa mà thôi. Bốn, giới điều nhiều đến mấy đi nữa mà, như Tứ phần luật nói, hễ có thiểu dục tri túc (kèm theo là tàm quí) thì giữ được hết cả, kể cả khai giá (linh động và hạn chế) của mỗi giới điều cũng thấy ra và giữ trọn.
Ai cũng có cái hảo tâm xuất gia ban đầu. Ai đứng trước Phật cũng muốn mình xứng đáng với Ngài. Nhưng chỉ có giới luật mới làm mình xứng đáng với Phật và không phụ hảo tâm của mình.
Mồng 7 tháng 6, PL 2535 (TL 1991)
Trí Quang
Trí Quang