Kinh Tương Ưng Bộ - giọng miền Nam
4.162
Kinh Tương Ưng Bộ - Giọng Miền NamNhà xuất bản: Hồng Đức
Người dịch: HT Thích Minh Châu
Người đọc: Kiều Hạnh, Tuấn Anh, Thy Mai, Bình Nguyên
(...“Chúng tôi không có thì giờ đi sâu vào nội dung của bộ Kinh Tương ưng này, nhưng chúng tôi có thể nêu rõ ba đặc điểm của bộ này để cống hiến cho các học giả và các Phật tử.
Đặc điểm thứ nhất là các kinh điển trong bộ kinh này được phân loại theo từng vấn đề liên hệ với nhau (saṃyutta) như tên kinh được đặt ra. Ví như trong tập V, các kinh liên hệ đến bảy giác chi được sắp đặt trong chương Tương ưng Giác chi (Bojjhaṅga Saṃyutta); các kinh liên hệ đến bốn niệm xứ được sắp đặt trong chương Tương ưng Niệm xứ (Satipaṭṭhāna Saṃyutta). Như vậy, các kinh liên hệ chung một vấn đề đều được quy tụ trong một chương riêng biệt và như vậy rất dễ cho phần nghiên cứu và tìm hiểu. Quý vị muốn tìm hiểu về pháp môn Anāpānasati (Niệm hơi thở vô, hơi thở ra), thời xin tìm tập V chương X, Tương ưng Hơi thở vô, hơi thở ra (Ānāpāna Saṃyutta) là tìm ra ngay. Các kinh của Kinh Tương ưng bộ tương đối ngắn so với các kinh trong Kinh Trường bộ, hay Kinh Trung bộ, nhưng nhờ phân loại theo từng vấn đề tương ưng, nên mỗi vấn đề được đề cập dưới nhiều khía cạnh khác nhau, và được quy tụ trong một Tương ưng (Saṃyutta), rất tiện cho vấn đề nghiên cứu.
Đặc điểm thứ hai của bộ này là vấn đề định nghĩa từng danh từ, định nghĩa từng vấn đề và nhờ vậy đem lại một quan niệm rất rõ ràng, rất chính xác của từng vấn đề một. Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ về bốn như ý túc.
“Thế nào là như ý? Ở đây, vị Tỷ-kheo thực hiện nhiều thần thông… gọi là như ý. Này các Tỷ-kheo, thế nào là như ý túc? Con đường nào, đạo lộ nào, này các Tỷ-kheo, đưa đến chứng được như ý, chứng đắc như ý. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc” (tập V).
“Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo nương tựa dục được định, được nhất tâm, đây gọi là dục định. Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, vị ấy khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh... Đối với các thiện pháp chưa sanh... Đối với các thiện pháp đã sanh, vị ấy khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này được gọi là tinh cần hành. Như vậy, đây là dục, đây là dục định, và những pháp này là tinh cần hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành”. Như vậy, “chandasamādhi padhānasaṅkhārasamannāgata iddhipāda”, dịch là “Như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành” đã được định nghĩa rất rõ ràng. Ví dụ như vậy trong kinh này rất nhiều và vì vậy mà bộ kinh này giúp chúng ta nắm vững được định nghĩa của từng vấn đề, khỏi bị những sự lệch lạc xuyên tạc gây hiểu lầm về sau.
Đặc điểm thứ ba của bộ này là sự quy tụ gần như đầy đủ 37 pháp môn tu hành chính của đạo Phật, từ tám chánh đạo đến bảy giác chi, bốn niệm xứ, năm căn, năm lực, bốn chánh cần, bốn như ý túc, thiền niệm hơi thở vô hơi thở ra, đều được phân loại trong tập V của Kinh Tương ưng bộ. Cũng chính nhờ phiên dịch tập V Kinh Tương ưng bộ, chúng tôi khám phá ra được pháp môn Anāpānasati (Niệm hơi thở vô, hơi thở ra), một pháp tham thiền điều hòa thân, điều hòa hơi thở, điều hòa tâm, một pháp môn nằm trong bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna), niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp; một pháp môn dùng hơi thở vô, hơi thở ra làm đối tượng hành trì, một pháp môn trong một hơi thở vừa phát triển niệm, vừa phát triển định, vừa phát triển tuệ, và như vậy tăng trưởng cả niệm căn, niệm lực, định căn, định lực, tuệ căn, tuệ lực. Pháp môn này đem giới thiệu với các Phật tử, được các Phật tử nhiệt liệt hưởng ứng hành trì, Chúng tôi rất tiếc là không có thì giờ để đi sâu vào nội dung và giới thiệu thêm cho quý vị những đóng góp về Chánh pháp của Kinh Tương ưng bộ này. Nhưng điều chúng tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, với bốn bộ Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tương ưng bộ, Kinh Tăng chi bộ, đã được phiên dịch và phổ biến, với Kinh Tiểu bộ đang được phiên dịch, chúng tôi có thể xem là đã xây dựng được những cơ sở căn bản cho một Đại tạng kinh Việt Nam, cống hiến cho các Phật tử và các học giả nghiên cứu đạo Phật những tài liệu học hỏi và nghiên cứu thật sự chính xác về nguyên thủy, hay gần nguyên thủy nhất của đạo Phật.”
(Lời Giới thiệu Kinh Tương ưng bộ, tập I, 1977)")