HT Thiền Sư Thích Thanh Từ    

Lời Giáo Huấn Mùa An Cư

1.642
Lời Giáo Huấn Mùa An Cư
Tác giả: HT. Thích Thanh Từ
Nhà xuất bản: Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh
Người đọc: Huy Hồ

Trước hết, tôi nói ý nghĩa an cư kiết hạ, sau sẽ nhắc thêm những điều cần thiết. Ai cũng biết tháng tư là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành. Đến mùa mưa nước nổi các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư Tăng, chư Ni đi nay, đi kia sẽ giẫm đạp chúng. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng. Như vậy, ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước. Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt. Do đó ngày xưa có những vị Tỳ-kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, v.v... Như vậy, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ. Hiện giờ đất nước chúng ta đường sá rộng lớn, xe cộ đi lại không phải giẫm đạp trùng kiến như ngày xưa, nhưng thể theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng kiết hạ an cư. Thời này mình không thể hiện lòng từ bi như thời đức Phật, chỉ có cùng nhau chung ở một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành. Nương nhờ các vị lớn tu trước, hiểu đạo hơn, hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Như vậy, trọng tâm an cư ngày nay đặt vấn đề tu học nhiều hơn vấn đề sợ trùng kiến chết. Cho nên ba tháng an cư rất quý báu. (Ý nghĩa an cư kiết hạ)
Zip