Thiền Sư Sayadaw U Jotika    

Bản Đồ Hành Trình Tâm Linh

7.064
Bản Đồ Hành Trình Tâm Linh
Tác giả: Thiền Sư Sayadaw U Jotika
Nhà xuất bản: NXB Tôn Giáo
Người dịch: Tỳ kheo Tâm Pháp
Người đọc: Huy Hồ, Thy Mai, Kiều Hạnh, Kim Ngân


Bản đồ hành trình tâm linh là những bài giảng của thiền sư Sayadaw U Jotika có một phong cách thuyết giảng riêng, có thể nói khá phóng khoáng so với truyền thống Miến Điện. Phần lớn Tăng tín đồ Phật giáo Miến Điện rất trọng truyền thống, họ luôn theo sát kinh điển và các bộ chú giải một cách nghiêm túc, vì vậy nếu có ai phóng khoáng một chút sẽ không khỏi bị xem là phóng túng.

Thực ra thiền sư Sayadaw U Jotika cũng không ra ngoài truyền thống, ông vẫn trích dẫn những kinh văn, những định nghĩa từ chánh tạng Pali hay chú giải rất truyền thống, nhưng chính là ông muốn nói lên kinh nghiệm trung thực của mình. Những kinh nghiệm về lý cũng như về sự của ông có thể chưa phải là tiêu chí chuẩn mực, và dĩ nhiên cũng chưa hẳn lột tả được chiều sâu vi diệu của Phật Pháp, nhất là trên phương diện pháp hành, nhưng dẫu sao đó vẫn là kinh nghiệm chân thực và sống động mà ông đã tự mình thân chứng, chứ không là một lý thuyết hoàn toàn trung thành với kinh điển nhưng trống rỗng vô hồn.

Một điều có vẻ rất nghịch lý nhưng lại rất thật, đó là cái đúng thường xuất phát từ cái sai hơn là từ cái đúng lý tưởng. Điều này không phải là quá khó hiểu, vì thực tế không ai có thể đúng ngay từ tiêu chuẩn lý tưởng trong kinh điển, mà phải đúng từ trong cái sai mà mình thực sự trải nghiệm.

Cái đúng, cái sai thật khó lường. Đứng trên một góc độ nào đó thì thấy điều này rất đúng, nhưng đứng trên một bình diện khác thì điều đó lại hoàn toàn sai. Chân lý tự nó luôn luôn đúng, chỉ có cái thấy, cái biết mới có đúng có sai. U Jotika có thể có một số sai lầm qua kinh nghiệm thấy biết của riêng mình, nhưng cái sai này là duyên rất thực cho cái đúng càng ngày càng chính xác hơn, như thế còn hơn là chỉ chấp giữ cái đúng lý tưởng nhưng không biết thể nghiệm thế nào.

Riêng tôi, tôi đồng cảm với thiền sư U Jotika rất nhiều điểm, trên tư duy cũng như trên thể nghiệm. Mặc dù chúng tôi tiếp cận chân lý từ hai hướng khác nhau: Thiền sư thì đã từng ẩn dật, nhập thất một thời gian khá dài trong quá trình thể nghiệm, còn tôi không có ranh giới giữa ẩn và hiển, nhập và xuất để chọn lựa cho mình. Tôi phải giáp mặt với những gì đến và đi trong đời tôi để học ra bài học của riêng mình, nhưng chúng tôi có chung một quan điểm là cứ thể nghiệm rồi chân lý sẽ đến.

(Lời giới thiệu)
Zip