Sáu Tiểu Phẩm Hộ Giới
1.051
Sáu Tiểu Phẩm Hộ GiớiTác giả: Tỷ kheo Trí Quang biên tập
Người dịch: Tỷ kheo Trí Quang
Người đọc: Trần Vũ, Kiều Hạnh
Sách này nằm trong Vạn 106/342-349. Sách không có chú giải, chỉ có rất ít cước chú của chính tác giả. Sách tên Sa di thập giới uy nghi lục yếu, cùng nghĩa với tên Sa di luật nghi yếu lược. Sa di thập giới uy nghi lục yếu nghĩa là bản trích lục những điều cốt yếu về mười giới luật và các uy nghi của cấp bậc Sa di.
Tác giả sách này là ngài Trí húc. Niên đại của ngài là 3/5 kỷ hợi (1599), 21/11 giáp ngọ (1654), cuối Minh đầu Thanh, vừa được nước lại mất nước. Ngài tên Trí húc, tự Ngẫu ích, tự hiệu Bát bất đạo nhân, và theo chỗ ngài ở mà gọi ngài là Linh phong. Cha trì chú Bạch y đại sĩ cầu con, mẹ mộng thấy đại sĩ bồng con trao cho mà sinh ngài. Ban đầu học Nho, lấy Nho học làm trách nhiệm của mình, viết Tịch Phật luận vài mươi thiên, 17 tuổi đọc Tự tri lục và Trúc song tùy bút của ngài Châu hoằng thì đem luận ấy đốt đi. Hai mươi tuổi mất cha, đọc kinh Địa tạng mà phát tâm xuất thế. Nghe một vị pháp sưu giảng kinh Lăng nghiêm, đến câu “không sinh đại giác trung” thì phát nghi mà không giải tỏa được, nên đối trước tượng Phật phát 48 nguyện, quyết chí xuất gia. Năm 1622, ngài 3 lần mộng thấy ngài Hàm sơn (Hám sơn), nhưng bấy giờ ngài này cư trú Tào khê, ngài không thể đến theo, nên theo học trò của ngài Hàm sơn là ngài Tuyết lãnh mà xin thế độ. Rồi đến Vân thê, nghe cổ đức giảng luận Duy thức, nghi không hợp tôn chỉ Lăng nghiêm nên xin hỏi. Vị cổ đức nói, 2 tông tánh tướng không thể dung hợp. Ngài trong bụng lấy làm lạ, Phật pháp há có 2 nẻo ? Do đó mà vào Kính sơn tham thiền, tánh tướng 2 tông một lúc thấu triệt. Ngài thấy Luật học hoang phế, nên lấy việc chấn hưng Luật học làm nhiệm vụ của mình. Đã viết Tỳ ni tập yếu rồi, lại muốn chú giải kinh Phạn võng, nên đối trước Phật, mở kinh Chiêm sát khấn bói để quyết định theo tông nào. Thì bói được Thiên thai tông. Vậy là ngài để tâm nghiên cứu Thiên thai tông, nhưng không chịu làm con cháu tông này. Sinh bình trước thuật hơn 40 thứ, từng nói, đời tôi không có gì đáng nói, chỉ có sự phát đại bồ đề tâm, quên mình vì người là có thể chất chính với các đấng Từ tôn trong 3 thì gian (Bảo 2200). Trong bài tụng Đại hùng phong có câu “đản tùng Long thọ thông tiêu tức”. Câu ấy có thể biểu thị tôn chỉ của ngài. Cái tự hiệu Bát bất đạo nhân càng chứng tỏ điều ấy.
Lý do và tài liệu của sách này thì ngài Trí húc đã tự nói trong lời nói đầu. Tôi chỉ nói mấy điều cần thiết sau đây. Một, sách tuy chỉ nói Sa di, nhưng có thể hiểu là cấp bậc Sa di, nghĩa là gồm cả Sa di ni. Hai, sách tuy bố trí và trích lục khá nhiều theo sách Sa di luật nghi yếu lược, nhưng mọi sự trích lục ấy chỉ sắp thứ tự, hay bớt thêm một chút thôi, cũng nổi bật đặc sắc lên. Ba, đặc biệt về 10 giới luật thì phải có sự cắt nghĩa của giới này mới giúp rõ cho sự hành trì. Bốn, về các uy nghi, thêm các thứ 24 và 25 thật đặc biệt và cần thiết, thứ 23 bổ túc điều chỉnh thật xứng đáng, thứ 26 bổ túc điều chỉnh thật đặc biệt. Nói tóm, giá trị sách này nếu không muốn nói hơn Sa di luật nghi yếu lược thì cũng phải nói có nó mới bổ túc và điều chỉnh khá nhiều cho sách ấy.
Sách này tôi dịch sát nguyên văn chỉ lời nói đầu tiên và phụ lục sau hết là trích dịch chỗ nào cần. Nguyên văn sách này có một số rất ít cước chú, chữ nhỏ, viết hàng đôi dưới văn chính. Nay tôi dịch cước chú ấy thì mở đóng vòng đơn. Còn chú thích của tôi chỗ nào cần thì đánh số mà chú thích ngay dưới mỗi đoạn.
(Trích tiểu dẫn)