Di-Sa-Tắc Bộ-Hòa-Hê - Ngũ Phần Luật Tập 1
1.687
Di-Sa-Tắc Bộ-Hòa-Hê Ngũ Phần Luật Tập 1Nhà xuất bản: Hồng Đức
Người dịch: Tỳ-kheo Thích Đổng Minh
Người đọc: Bình Nguyên, Hùng Thanh
Năm 1991, sau khi dịch xong ba bộ luật: Trị, Căn Bản và Tứ Phần, có mấy chỗ tôi không rõ ngữ nghĩa nên đến thỉnh vấn Hòa thượng Trí Quang. Ngài lấy tập số 44 trong Tục Tạng lật ra chỉ cho tôi những từ đó rồi bảo tôi mang về để tra cứu. Nhân dịp này Ngài gợi ý: “ Bộ luật Ngũ Phần có những điểm đặc biệt hơn các bộ khác…”Và như để cho tôi lưu ý tìm hiểu, Ngài lại nói: “ Không biết tại sao Tổ Đạo Tuyên lại chọn Tứ Phần để hành trì mà không chọn Ngũ Phần”. Sau cùng Ngài bảo tôi nên dịch “Ngũ Phần”.
Về phần tôi, từ lâu đã hằng lưu tâm đến bộ Luật này. Việc các Ngài đại Luật sư triều Đại Chính ( 1912- 1925 ) bên Nhật Bản xếp “Ngũ Phần” lên hàng đầu trên năm bộ Luật chính , đó là điều để tôi lưu ý tìm hiểu. Rõ ràng giữa hai thế hệ: Ngài Trí Quang và các Luật sư triều Đại Chính có cùng một quan điểm và xem bộ “ Ngũ Phần” có những nét đặc sắc ủa nó. Vậy những nét đặc sắc này là gì? Đây là cả vấn đề nằm ngoài khả năng của tôi. Chỉ nội việc làm sao dịch ra Việt Ngữ phản ảnh đúng nội dung của Bộ Luật cũng là cả mọt sự công phu rồi. Tôi chỉ tập chú ào vấn đề này.
Càng đọc lại nhiều lần bộ “Ngũ Phần” tôi có cảm tưởng như tôi đang sống trong bầu không khí phạm hạnh của Chúng Tăng thời đức Phật. Tôi như nghe rõ sự quở trách “ngu si” của đức Phật đối với những vị Tăng sai phạm và thấm thía cho những tội lỗi đã xảy ra xem chừng ngờ nghệch, đùa dại trong thực chất phản ảnh tâm lý tội lỗi sâu sắc. Không luận thời nào. Tâm nhiễm ô ấy được luồn lách trong mọi ngõ ngách của cuộc sống và được trá dạng một cách tài tình trong tâm hồn con người dù cho đó là con người xuất gia đi nữa. Và khi tâm nhiễm ô ấy hiện hình thì hình ảnh tham, sân, si , ái, dục lại nổi lên rõ nét. Đức Phật bằng mọi cách đã chặt đứt vấn đề này. Chấn chỉnh, xây dựng lại con người phạm hạnh từ trong tội lỗi. Giới luật của đức Phật ra đời là thế đó. Đâu phải thời Phật mà bất cứ thời đại nào biết y chỉ, biết lắng nghe Giáo pháp của đức Phật, lắng nghe sự quở trách của tâm hồn thì chính tâm hồn ấy trở thành thanh tịnh để rồi đời sống xuất gia thành đời sống phạm hạnh có đầy đủ năm công đức như đức Phật đã dạy và được kết tập trong bộ Luật “Ngũ Phần” này. Năm công đức ấy là:
1- Tự mình kiến cố hội trì giới phẩm
2- Có khả năng đoạn trừ nghi hoặc cho người có tâm quí
3- Tự mình đứng vững vàng trong Chánh pháp
4- Khi cần nói giữa Tăng Chúng không có sự sợ sệt
5- Hàng phục được oán dịch.
Giới luật của đức Phật mang ý nghĩa thiện, mùi vị thiện và hình tướng thanh bạch là thế.
Bây giờ, tuy viết dài dòng nhưng điều đáng ghi lại xem như thay cho một trí nhớ, để nhớ và biết ơn một mảng nhân duyên tạo thành tác phẩm dịch thuật của tôi. Xin được ghi lại.
Đã năm năm qua , thời gian của sự cẩn thận và cân nhắc…và trước khi cho đánh vi tính, tôi giao toàn bộ cảo bản, bản đánh máy và nguyên bản chữ Hán cho đệ tử là Phước Thắng để kiểm tra kỷ lại một lần nữa, đồng thời nhuận văn cũng như phụ trách theo dõi, trình bày bản vi tính để in thành sách.
Cũng cần nói rõ điều này: bộ Luật Ngũ Phần này nằm trong quỹ đạo phiên dịch Hán Tạng thành Việt Tạng, do Thượng tọa Tịnh Hạnh chủ trương theo kế hoạch và cũng theo thứ tự bộ Luật này sẽ được in trước như trong Tạng Đại Chánh Tân Tu…Hy vọng bản vi tính tạm biệt hành này, sau khi Tăng, Ni và các bậc Cao minh đọc và góp ý, bổ sung sẽ trở thành sự hoàn chỉnh cao hơn cho bản in chính thức tiếp theo trong chương trình phiên dịch đã đề cập.
Bấy giờ là những điều trân trọng: con xin chân thành kính tri ân sự khuyến thị cao quý của Hòa thương Trí Quang trước khi con dịch bộ Luật Ngũ Phần này.
Tôi cảm ơn cô Trí Hải đã cho tôi mượn hai tập đánh máy gồm 15 quyển của bộ Luật mà sư cô đã dịch chưa hoàn tất, để tham khảo và tôi trân trọng ghi nhận công đức của tất cả quý vị đã góp sức vào “Pháp cúng dường” này.
Tôi đang lắng nghe và ghi nhận mọi chỉ giáo của các bậc Cao minh.
(Lời người dịch)