Sống Đời Giá Trị - Thích Thiện Pháp
1.053
Sống Đời Giá TrịTác giả: Thích Thiện Pháp
Người đọc: Diệu Tiên
Tìm hiểu về con người, chúng ta phải công nhận rằng: Tiềm năng của con người thật là vô cùng phong phú. Tánh linh của con người có khả năng biết được quá khứ, hiện tại, vị lai; trí huệ của con người, có khả năng thấu suốt được chân lý để trang bị cho mình tầm nhìn tỉnh thức; việc làm của con người có khả năng chuyển hóa những thói quen thấp hèn để thăng hoa cuộc sống. Nơi kinh Bổn Sanh, đức Phật có dạy: "Trải qua nhiều kiếp vào ra sanh tử trong các loài, từ nơi thân người mà chư Bồ tát tu hành thành bậc chánh giác". Nay được thân người, và có duyên lành làm đệ tử Phật, chúng ta nên chuyên tâm học hỏi, tu tập, nhằm kiến tạo cho mình và người kinh nghiệm sống an lạc.
Về cơ bản, con người chúng ta gồm cả trí dục, đức dục và tính dục nghĩa là con người đều có những ham muốn về trí tuệ, về phẩm hạnh đạo đức, và về bản năng tình cảm (kể cả dục tình). Mỗi người luôn có khuynh hướng phát triển mạnh về một mặt nào đó, nhưng nếu nghiêng về mặt tình cảm mà thiếu lý trí thì con người dễ lầm lạc và đau khổ. Bởi thế, chúng ta được quí trọng hay bị xem thường đều do bản thân có chịu tu sửa, hướng đến mục tiêu chân, thiện, mỹ hay không. Hiểu được điều này, chúng ta nên định đoạt cho mình lập trường sống vượt qua bản năng để sống đời giá trị.
Những bậc Thánh Hiền, các vị Tổ sư lưu danh muôn thuở đều nhờ công hạnh tinh tấn. Do vậy các ngài đã chiến thắng tất cả từ ngoại cảnh cho đến nội tâm, họ đã đạt được những nguyện ước tốt đẹp. Như ngài Huyền Trang đi Thiên Trúc thỉnh kinh, trải qua tám trăm dặm sa mạc, giữa đường thiếu nước, cơ hồ bỏ mình nơi hoang mạc, song ngài vẫn nguyện: "Thà đi về hướng Tây một bước mà chết, quyết không quay về hướng Đông một bước mà sống!" Nếu là người không có lập trường kiên nhẫn, không có tâm tinh tấn vì đạo, thì làm sao có thể làm được việc như vậy?
(Sống đời giá trị)