Loại Khác    

Phật Giáo Và Việc Chữa Trị Bệnh Tật - Hoang Phong dịch

1.711
Phật Giáo Và Việc Chữa Trị Bệnh Tật
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Người dịch: Hoang Phong
Người đọc: Tuấn Anh, Thùy Tiên, Kiều Hạnh, Thi Thi


Tất cả chúng ta đều nghĩ đến và chăm lo sức khỏe của mình, chỉ ít hay nhiều tùy theo mình còn trẻ hay già yếu và ốm đau. Thế nhưng sức khỏe không phải chỉ thuộc lãnh vực thân xác mà còn liên quan đến lãnh vực tâm thần. Như vậy thì tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng có giữ một vị trí hay vai trò nào đối với mối quan tâm đó hay không?

Trong cuộc sống thường nhật cũng như qua các sinh hoạt xã hội, chúng ta thường xuyên bị chi phối bởi sự chăm lo sức khỏe đó, thế nhưng thường thì không mấy khi chúng ta ý thức được một cách sâu sắc và rõ rệt về sự quan tâm bàng bạc đó. Một mặt, chúng ta tìm kiếm sự bổ dưỡng, các thực phẩm “sạch” trong từng bữa cơm, miếng bánh, tìm đọc các sách dưỡng sinh, ngừa bệnh..., một mặt thì tập thể dục, múa tài chí khí công, tập thở tập hít, chuyển cho nhau các “tài liệu” trên mạng về các loại hoa quả, rau trái có đặc tính ngừa hay trị bệnh, v.v... Trên phương diện sinh hoạt xã hội thì đóng tiền các quỹ tương trợ, y tế, dọ hỏi các bác sĩ giỏi, bệnh viện tốt. Tất cả các mối quan tâm đó đều hướng vào sức khỏe trên thân xác. Các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần thì mơ hồ hơn nhưng không kém phần tích cực, lý do là vì mình không nhận biết được rõ rệt tình rạng sức khỏe của tâm thức mình. Nhằm làm giảm bớt các sự căng thẳng, lo lắng và hoang mang trong tâm thức thì ở cấp bậc thấp nhất là xem phim, nghe nhạc, mua sắm, đi hội chợ, dự lễ lạc, đình đám, say sưa, ma túy..., và ở cấp bậc cao hơn và tinh tế hơn là các hình thức nghệ thuật, văn chương, thi phú, âm nhạc, kịch nghệ, triết học, v.v..., nói chung là các cách che lấp và xoa dịu những đòi hỏi và lo sợ tàng ẩn sâu kín bên trong tâm thức mình. Các hình thức tranh chấp xã hội, chính trị kể cả chiến tranh, dưới một góc nhìn nào đó, cũng phản ảnh một cách gián tiếp và kín đáo các mối quan tâm về sức khỏe thân xác và tâm thần của mỗi cá thể con người trong xã hội.

Các khía cạnh ứng dụng trong việc trị liệu - nhất là trên phương diện tâm thần - của Phật giáo đã từng được phát triển suốt trên dòng lịch sử phát triển của tín ngưỡng này, và ngày nay rất được quan tâm trong thế giới Tây Phương, chẳng hạn như phép luyện tập thiền định được mang ra áp dụng trong một số các trường học và bệnh viện. Các phương pháp trị liệu cũng như các bài khảo luận về chủ đề “Phật giáo và việc chữa trị bệnh tật” vô cùng phong phú. Quyển sách nhỏ này cũng chỉ là một hạt cát, gom góp một vài bài viết và bài giảng ngắn qua các góc nhìn của một số học giả và các nhà sư Tây Phương - thuộc Phật giáo Theravada, Kim Cương Thừa, Thiền học, Phật giáo Tây Tạng, Đại Thừa... - về chủ đề này. Thế nhưng bên trong hạt cát đó cũng có thể chứa đựng những sự hiểu biết siêu việt, chẳng hạn như bài sau cùng trong quyển sách với tựa “Ý nghĩa của khổ đau trong Phật giáo” của nhà sư người Mỹ Ajhan Sumedho, trụ trì ngôi chùa nổi tiếng Amaravati ở Anh Quốc, có thể giúp chúng ta tẩy sạch các thứ bệnh tật - biết đâu có thể cả cái chết - bên trong tâm thức của chính mình.

(Lời Tựa)
Zip