Chỉ Là Một Cội Cây Thôi
5.122
Chỉ Là Một Cội Cây ThôiTác giả: Ajahn Chah
Người dịch: Tỳ Khưu Khánh Hỷ
Ajahn Chah thường nhắc nhở chúng ta rằng: Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta phương cách tu để thoát khổ nhưng Ngài không thể tu thay cho chúng ta được. Không thể dùng lời để diễn đạt chân lý mà cũng không thể đem chân lý để tặng cho ai. Ajahn Chah thường nói với chúng ta là muốn giúp cho tâm thấy được chân lý chỉ có thể dùng ví dụ và sự so sánh. Nếu tạo được một vị Phật trong tâm thì chúng ta có thể thấy rõ rằng mọi vật không có gì khác với chúng ta cả. Nhiều ví dụ đã được Ajahn Chah dùng để dạy Đạo phát xuất từ những kinh nghiệm thâm sâu trong lúc Ajahn Chah sống trong rừng. Việc thực hành của Ajahn Chah chỉ đơn giản là quán sát, theo dõi một cách chánh niệm và tỉnh giác tất cả những gì đang diễn ra bên trong cũng như bên ngoài chính mình. Ajahn Chah thường nói việc hành thiền của Ngài chẳng có gì đặc biệt. Ajahn Chah tự so sánh mình với một cội cây trong rừng. Cội cây chỉ là cội cây và Ajahn Chah cũng chỉ là Ajahn Chah thôi, chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng từ sự không đặc biệt này phát sinh ra một sự hiểu biết sâu xa về chính mình và thế gian. Không thể dùng ngôn từ để diễn đạt giáo pháp. Giáo pháp tự hiển bày trong từng phút giây, nhưng chỉ khi nào tâm tĩnh lặng ta mới có thể thấu hiểu giáo pháp. Ajahn Chah có khả năng kỳ diệu để biến đổi giáp pháo vô ngôn thành những ví dụ tươi mát, lúc khôi hài ý nhị, lúc vần điệu nên thơ, thường là để đánh động vào chỗ linh diệu nhất của con tim. Chúng ta đang chìm đắm trong bể ái dục như thú tham mồi ngon, ruồi say mật ngọt. Đời sống chẳng qua chỉ là những chiếc lá rụng và tâm chẳng khác nào những dòng nước chảy.
Lời dạy của Ajahn Chah tràn đầy những ví dụ ý nhị như vậy. Chúng tôi sưu tập những ví dụ đầy ý nghĩa thâm sâu này để khơi động tâm linh những ai đang bị dày vò bởi những nhiệt não của thế gian tìm được một chỗ nghỉ yên tĩnh dưới bóng mát của một cội cây trong rừng. Ajahn Chah thường nói: "Chúng tôi dùng ví dụ để nói về giáo pháp, vì giáo pháp không có hình dáng. Ai có thể nói giáo pháp vuông hay tròn? Phương pháp hay nhứt để diễn giải giáo pháp là dùng ví dụ."