Loại Khác    

Từ Ân Của Mẹ - HT Thích Nhật Quang

1.084
Tác giả: HT Thích Nhật Quang
Nhà xuất bản: Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
Người đọc: Ngọc San, Kiều Hanh, Nam Trung

Trong những cách đền ơn của người tu, nếu như cha mẹ và những người thân chúng ta chưa tin kính Tam Bảo, chúng ta vận dụng phương tiện như thế nào để hướng dẫn người thân trở về quy y Tam Bảo, tin kính Tam Bảo. Tốt hơn nữa là hướng dẫn song thân cùng quyến thuộc phát tâm, xuất gia thì quý báu vô cùng. Có một số vị đã thực hiện được việc này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tăng ni thuyết pháp giảng kinh cho đàn-na thí chủ, thập phương bá tánh nghe thì được, mà thuyết pháp cho người thân không được. Gặp duyên trái nghịch như thế, chúng ta phải kiên trì, vận dụng tâm từ nhiều hơn, toàn tâm toàn ý, cố gắng tạo mọi điều kiện để cha mẹ tiếp cận tới chánh pháp, dần dần đưa song thân quy hướng Tam Bảo. Nếu như cha mẹ chưa tin Tam Bảo, chúng ta cố gắng vận dụng phương tiện tốt nhất để hướng tiến cha mẹ và người thân trở về với Tam Bảo, bằng cách tạo điều kiện để cha mẹ có thể sinh hoạt gần gũi với tăng đoàn, tu tập theo phương pháp của người Phật tử tại gia. Được như thế cũng là một cách ơn đền nghĩa trả. Chúng ta có thể thực hiện hiếu đạo ngay trong đời này đối với những bậc sinh thành dưỡng dục, những bậc chúng ta đã mang đậm thâm ân. Chưa được như thế thì chúng ta nỗ lực tu hành rồi tìm cách giúp đỡ cha mẹ trên tinh thần từ bi của đạo Phật. Bởi vì, Phật dạy chúng ta đã mang ơn, thọ ơn ai, dù lớn dù nhỏ, cũng nguyện sẵn sàng đền trả cho xứng đáng. Muốn thế, chúng ta phải nỗ lực tu hành nghiêm túc. Tu được sáng đạo mới mong trôi tròn bổn phận với Phật tổ, Sư trưởng, cha mẹ và đàn-na tín thí. Tu lớ xớ thì chẳng nên việc gì đâu. Giải quyết được vấn đề sinh tử mới hướng dẫn mọi người dễ dàng. Trước nhất là cha mẹ, anh chị em trong nhà. Bình thường chúng ta có thể nói Phật pháp cho người ngoài nghe, nhưng với người thân rất khó. Bởi đây là sợi dây luyến ái ràng buộc nhiều đời, cho nên nợ nần với nhau nhiều lắm. Bây giờ gặp gỡ để đền trả hoặc đòi lại. Người ta nói "Con là nợ, vợ là oan gia". Đời này làm mẹ, đợi sau làm con, đời này làm chồng, đời sau làm cha... Thay hình đổi dạng trong cái vòng loay hoay, luẩn quẩn, nhân quả nối tiếp không dừng. Chỉ khi nào chúng ta tu sáng đạo, ngồi vững ở đỉnh cao giữa ngã tư đường, thấy mọi việc trước sau rõ ràng, chừng ấy mới giải quyết dứt điểm các thứ nhân duyên quả báo từ nhiều đời. (Báo ân Sư trưởng)
Zip