Tìm Hiểu Trung Bộ Kinh I - Thích Chơn Thiện
1.993
Tìm Hiểu Trung Bộ Kinh ITác giả: Thích Chơn Thiện
Nhà xuất bản: Tôn Giáo
Người đọc: Thy Mai, Huy Hồ, Thủy Tiên
Các cấp độ nhận thức của con người:
a) Cấp độ tưởng tri: đây là cẩp độ nhận thức hữu ngã, nhìn thấy các hiện hữu đều có tự ngã (self). Cấp độ này là sản phẩm của tư duy hữu ngã, và các cảm thọ được đón nhận qua các giác quan hạn chế.
b) Cấp độ thắng tri: là cấp độ thấy biết trực tiếp các sự vật qua đại định (từ đệ tứ Sắc định đến Tứ Không định) và qua trí tuệ, mà không qua quá trình đối đãi của tư duy. Đây là cấp độ nhận thức hiện hành ở tâm của các Thánh hữu học và Thánh vô học, Bích chi Phật và Chánh đẳng Chánh giác.
Với các Thánh hữu học thì có thể liễu tri mà chưa thật liễu tri. Với hàng Thánh vô học, Bích Chi và Toàn Giác mới thực liễu tri.
Sự thật như thật của các hiện hữu là sự thật của Niết bàn, là Niết bàn.
c) Cấp độ liễu tri:
- Ở đại định, các Thánh hữu học hành thiền quán vô ngã, vô thường thì có thể cắt đứt 10 kiết sử, đoạn tận các lậu hoặc, thấy rõ được sự thật như thật của các hiện hữu (hữu vi và vô vi).
- Với các Thánh vô học, do đoạn tận tham mà liễu tri các pháp; tương tự, do đoạn tận sân, đoạn tận si mà liễu tri các pháp.
- Chư Phật thì đã liễu tri vạn pháp do vì thấy rõ "dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu mà sinh khởi lên, và già chết đến với hữu tình", đã "diệt trừ hoàn toàn các ái, hoàn toàn ly tham, hoàn toàn xả ly" nên đã "chân chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".
Có hai điểm giáo lý cơ bản được đề cập:
a) Nếu con người nhận thức các hiện hữu đều có tự ngã thường hằng (self), thì sẽ không bao giờ có thể thấy sự vật như thật qua thắng tri và liễu tri. Với người này tưởng tri, thức tri và tư duy sẽ làm dấy lên sự phân biệt đối đãi phát khởi tham tâm, sân tâm và si tâm vốn là căn gốc của phiền não, sinh tử, khổ đau.
b) Nếu con người thấy rõ sự vật như thật, đó là sự thật Duyên khởi Vô ngã qua thắng tri và liễu tri hoặc thấy rõ "dục hỷ là căn bản của khồ đau..." thì sẽ xả ly, đoạn trừ hoàn toàn tham ái, sẽ chân chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* * *
Tại đây bản kinh số 1 mở ra hai dòng vận hành của tâm lý:
- Dòng tâm lý của tham, sân, si, ác tâm, bất thiện tâm dẫn đến sầu, bi, khổ, ưu, não, dẫn đến tàn hại cá nhân và tập thể .
- Dòng tâm lý của vô tham, vô sân, vô si, bất hại dẫn đến thấy rõ như thật các pháp, hoàn toàn ly dục, giải thoát, giác ngộ, Niết bàn.
Hai dòng tâm lý đó là nội dung mà các bản kinh kế tiếp sẽ nhiều lần đề cập.
(Nội dung bản kinh số 1)