Người Xưa Học Đạo Làm Người - Hiếu Hạnh - Thích Nhật Quang
1.677
Người Xưa Học Đạo Làm Người - Hiếu HạnhTác giả: Thích Nhật Quang
Nhà xuất bản: Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những cách báo hiếu của Phật dạy, có nhiều Phật tử làm được, nhưng cũng có vị chưa làm được. Tôi nêu ra một số điều, quí vị cùng kiểm nghiệm thử xem.
Thứ nhất đối với cha mẹ, khuyên gắng tu phước, làm các việc công đức, quy y Tam Bảo, tin nhân quả, sống đời sống cao thượng theo tinh thần giác ngộ giải thoát. Điều này một số Phật tử lâu năm thấm nhuần Phật pháp, có lẽ áp dụng được. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được. Nhiều Phật tử nói với tôi vui lắm: “Thầy ơi! Nhiều khi con phải trốn nhà mà đi chùa, rủ không ai chịu đi hết. Thôi thì độc diễn”.
Ở đây nói khuyên cha mẹ làm phước, làm các việc công đức là thế này. Ví dụ, ngoài việc cúng dường chư Tăng Ni, quí vị có thể giúp đỡ hoặc tạo điều kiện cho cha mẹ giúp đỡ người trong xóm của mình, ai nghèo thiếu ta giúp cho họ. Không giúp được bằng tiền của thì giúp bằng công sức, bằng lời nói, hành động, đem lại an vui cho người. Đó cũng là cách tu tạo công đức lành. Luôn động viên, an ủi cha mẹ hướng tới Tam Bảo, nếu đủ duyên nữa thì quy y Tam Bảo và sống đời sống cao thượng của một người Phật tử tại gia. Trong nhà mọi người sống với nhau, trao đổi với nhau bằng tinh thần nhân quả, tinh thần vị tha sáng suốt thì rất hay. Nếu Phật tử tu tạo được như vậy, động viên các huynh đệ trong đạo tràng của mình cùng được như vậy thì tốt đẹp biết mấy!
Thứ hai là săn sóc đời sống của cha mẹ, làm sao cho cha mẹ có niềm vui thanh thản ở tuổi già. Muốn có niềm vui thanh thản thì đời sống phải có đạo lý. Nhờ hiểu đạo lý, nên tâm không bực dọc buồn khổ bởi những công việc làm ăn hay các việc khác. Điểm này là điểm làm cho người ta khổ lắm. Làm được thì cố ý giữ gìn cho còn mãi của mình, nếu bị mất đi thì khổ. Cho nên Phật nói: “Được mà muốn giữ cho còn cũng khổ. Giữ không được bị mất đi càng khổ hơn”. Được rồi thì nói là của mình. Ai đụng tới là có chuyện rầy rà. Hồi chưa được, muốn cho được chỉ là một cái khổ. Nhưng khi đã được rồi phải canh cánh giữ gìn thì thành một tòa nhà khổ rất kiên cố. Ai động đến cũng không được.
Thế nên Phật tử phải săn sóc đời sống cha mẹ theo hướng có đạo đức, có trí tuệ. Giải tỏa được tất cả những ràng buộc bởi đời sống làm ăn, tiếp cận quan hệ với mọi người chung quanh. Giúp cho tâm hồn cha mẹ được thanh thản bằng cách khuyên cha mẹ buông bỏ bớt, đừng lo cho con cháu nữa. Mỗi vị lớn khôn, phải tự biết lo liệu cho mình, để thời giờ cho cha mẹ rảnh rỗi tu hành. Cuộc sống này khi đầy khi vơi, ta làm sao cho mọi người trong gia đình có thái độ bình thản, tự nhiên trước những đổi thay đó.
(Hiếu Hạnh)