/ 1
17

Ý NGHĨA CHÂN THẬT CỦA BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT

(Trích lục từ Thái Thượng Cảm ứng Thiên giảng giải)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Báo Ân Đường Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: Ngày 05 tháng giêng năm 2000

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Xin chào các vị đồng tu! Sư Ngộ Đạo đưa đến nơi đây một câu hỏi của đồng tu ở Đại học Lý Công Nam Kinh: “Xin hỏi, gần đây có người truyền Bổn Nguyện Niệm Phật, không theo Tịnh Độ Tam Kinh, mà nói chỉ cần tin rồi liền có thể vãng sanh, không cần phát nguyện, cũng không cần niệm Phật, nghe rồi nghi vấn trùng trùng, cung thỉnh sư phụ từ bi khai thị”.

Việc này đích thực là vấn đề rất nghiêm trọng. Vấn đề này nếu như giải thích sai, sẽ làm rất nhiều đồng tu nhầm lẫn, làm cho cơ hội niệm Phật vãng sanh một đời này bị lỡ dịp. Người truyền những lời nói này phải chịu trách nhiệm nhân quả, trong kinh Phật nói phải đọa A Tỳ địa ngục. Bổn Nguyện Niệm Phật không hề sai, nhưng họ đem cái ý này giải sai hoàn toàn. Trước khi Phật vào Niết Bàn, đối với hiện trạng xã hội hiện đại này của chúng ta ngài rất là rõ ràng, rất là thấu đáo. Trong hội Lăng Nghiêm, trong đoạn Thanh Tịnh Minh Hối, mọi người đều đã đọc đến, Phật nói: “Tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa”. Những điều trên kinh đã nói chính là thời đại hiện tại này của chúng ta, pháp nhược ma cường, chúng sanh nhận giả không nhận thật, nghe gạt không chịu nghe khuyên.

Các vị đồng tu tịnh tông chúng ta nhất định phải hướng theo Phật học tập. Phật đối với những người này có lòng nhẫn nại chờ đợi. Cho nên tôi cảm thấy ngay trong đồng tu của chúng ta, có rất nhiều nhiệt tâm đó, vượt qua Phật rất nhiều, giận là không thể đem tất cả chúng sanh này thảy đều đưa đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế nhưng, nên quay đầu lại nỗ lực phản tỉnh, chính mình có thể vãng sanh hay chưa? Chính mình không thể được độ, mà muốn độ người khác, trên kinh Phật thường nói là làm gì có việc như vậy. Mọi người thường hay nghe nói, nghe nhiều rồi thành quen tai: “Phật không độ người vô duyên”. Chúng ta phải nên hiểu, họ không có duyên với Phật, không có duyên thì không tin, không tin tưởng Tam Kinh đã nói, không thể y giáo phụng hành, muốn nghe người khác nói những lời nói này. Đây chính là không có duyên với Phật, đời này của họ nhất định không thể thành công.

Bổn nguyện là bổn nguyện gì vậy? 48 lời nguyện. Sau khi Tịnh Tông của chúng ta thành lập, chính là y theo Bổn Nguyện Niệm Phật. Bạn xem thời khóa sáng chúng ta, khóa tụng của Tịnh Tông, khóa sáng là đọc 48 lời nguyện, buổi tối là sám trừ nghiệp chướng. Nghiệp chướng nếu không sám trừ, nhất định không thể vãng sanh. Pháp môn này tuy là nói đới nghiệp vãng sanh, tổ sư đại đức xưa nay đã nói rất nhiều: “Chỉ mang nghiệp cũ, không mang nghiệp đang làm”. Bạn hiện tại đang tạo nghiệp, cái nghiệp này không thể mang đi. Mang là mang nghiệp quá khứ, quá khứ sai rồi nhưng không hề gì, hôm nay thay đổi nó lại, nên gọi là chỉ luận quá khứ không luận hiện hành. Đây là nguyên lý nguyên tắc của đới nghiệp vãng sanh. Hiện tại vẫn còn tạo nghiệp, vậy thì không thể vãng sanh, đạo lý này nhất định phải nên hiểu.

Bổn nguyện, có người nói bổn nguyện chính là nguyện thứ 18, thế nhưng người thông thường không thể thâm giải nghĩa thú. Trong nguyện thứ 18, viên mãn đầy đủ hàm nhiếp cả thảy 47 nguyện kia, 47 nguyện khác thiếu đi một nguyện thì nguyện thứ 18 này không thể viên mãn. Vị đại đức truyền Bổn Nguyện Niệm Phật này có hiểu được cái đạo lý này không? Trong 48 nguyện, bất cứ nguyện nào đều viên mãn hàm nhiếp 47 nguyện khác, nguyện nguyện đều như vậy. Kinh Hoa Nghiêm của chúng ta tuy là vẫn chưa giảng hết, mọi người nghe rồi, cũng không xem là ít. Trên kinh Hoa Nghiêm nói một chính là tất cả, tất cả chính là một, ít nhiều không hai, họ có hiểu được như vậy không? Bổn Nguyện Niệm Phật là một chính là tất cả, cho nên công đức của nó thù thắng. Tuyệt đối không thể nói là chỉ y theo nguyện thứ 18, còn 47 nguyện khác thì không cần, như vậy thì 48 nguyện cũng bằng không. Nguyện thứ 18 là gì? Là tổng cương lĩnh cho 47 nguyện khác, đây là ma thuyết pháp, không phải Phật thuyết pháp.

Trước khi Thế Tôn nhập diệt, dạy chúng ta y theo tứ y pháp. Tứ y pháp thứ nhất là y pháp bất y nhân. Pháp là gì vậy? Tịnh tông đệ nhất kinh là Kinh Vô Lượng Thọ. Đông Tấn Huệ Viễn đại sư ở Lô Sơn xây dựng một đạo tràng niệm Phật đệ nhất, “Đông Lâm Niệm Phật Đường”, đồng tu chí đồng đạo hợp gồm 123 người, lúc đó kinh điển của Tịnh Tông chỉ có một bộ, những bộ khác vẫn chưa dịch ra. Kinh Vô Lượng Thọ, đạo tràng Lô Sơn của Viễn Công nhiều người đến như vậy, chỉ y theo kinh Vô Lương Thọ, 123 người này vững vàng ổn định đều được vãng sanh. Cái đạo tràng này trang nghiêm thù thắng không gì bằng. Chúng ta phải đi con đường mà người xưa đã đi, kế thừa người xưa.

/ 1