/ 1
24

VÌ SAO NIỆM PHẬT KHÔNG THỂ VÃNG SANH

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Giảng tại Tịnh tông học hội Singapore, tháng 05-1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên


Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, quyển thứ ba: “Nhĩ thời Phật cáo, Địa Tạng Bồ Tát, ngô kim ư Đao Lợi Thiên cung, nhất thiết chúng hội, thuyết Diêm Bồ Đề bố thí, giảo lượng công đức khinh trọng, nhữ đương đế thính, ngô vi nhữ thuyết”.

Có nghĩa, bồ tát Địa Tạng hướng về đức Thế Tôn thỉnh giáo: Chúng sinh sáu cõi tu phước không giống nhau, nên quả báo cũng không giống nhau. Xin Thế Tôn đem chân tướng sự thật này vì chúng con mà diễn nói”.

“Nhĩ thời” chính là lúc bồ tát Địa Tạng thỉnh giáo sự việc này. Ngay khi đó, ở cung trời Đao Lợi, Thế tôn tự xưng “ngô” diễn nói trong tất cả chúng hội bao gồm đại chúng của mười pháp giới, thù thắng hi hữu không gì bằng. Do đó hội này không hề khác biệt so với hải hội của kinh Hoa Nghiêm, chẳng qua pháp hội này mượn cung trời Đao Lợi để khai hội. Tận hư không khắp pháp giới, chúng sinh sáu cõi tham dự, tình huống cũng hoàn toàn giống kinh Hoa Nghiêm, cũng đều là chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở sáu cõi, ác đạo, dùng thân phận các quỷ vương xuất hiện ngay trong đại hội. Cho nên tất cả hội chúng hy hữu chưa từng có.

“Công đức bố thí nặng hay nhẹ?” là lời thỉnh cầu của bồ tát Địa Tạng nói về Diêm Phù Đề cũng là địa cầu của chúng ta. Người trên địa cầu này muốn biết tu phước được quả báo nặng hay nhẹ thì phải chú tâm lắng nghe Thế tôn giảng giải, “nhữ đương đế thính, ngô vi nhữ thuyết”.

Thế tôn lược giảng

Địa Tạng bạch Phật ngôn: “ngã nghi thị sự, nguyện lạc dục khai”, có nghĩa “con rất nghi ngờ việc này, hoan hỉ mong ngài nói ra chân tướng”. Trong phần chú giải, pháp sư Thanh Lương giải nghĩa như sau: “Diêm Phù Đề nhân, năng hành bố thí giả, tất báo sinh thiên thượng”, tức là chân thật tu bố thí, bố thí đúng lý đúng pháp, bố thí là phước, tu phước, phước báu lớn sẽ sinh đến cõi trời. Thế Tôn ở cung trời cũng đã nói về công đức bố thí.

“Phù bố thí chi nghiệp nãi chúng hành chi nguyên”

Có nghĩa, tài vật vô thường, người người tranh nhau, phàm phu tiếc rẻ, không buông xả. Người thế gian không từ bất cứ thủ đọan gì để tranh đoạt tài vật, tạo nghiệp. “Toại sử thê nhi giác mục”, gia đình bất hòa, anh em chống trái nhau, quyến thuộc chia lìa, thân bằng cách biệt,… gần như sáu căn của chúng ta đều tiếp xúc với những cảnh tượng này, nên phải hiểu rõ nghiệp nhân quả báo, cần phải lắng nghe khai thị của Thế Tôn. Phật nói Địa Tạng Bồ Tát: cõi Nam Diêm Phù Đề có các Quốc Vương, Tể Bổ Đại Thần, Đại Trưởng Giả, Địa Sát Lợi, Đại Bà La Môn v.v., có địa vị, tiền của, là người có khả năng bố thí, nếu gặp người nghèo khổ bần cùng cho đến bệnh tật câm điếc, ngờ nghệch đui mù, không đầy đủ các căn, đều xem là đối tượng để bố thí. Theo nhà Phật, phước điền có ba loại, trong đó “bi điền” chỉ người thế gian đáng thương, do đời quá khứ không tu phước, tuy được thân người nhưng lại sống thiếu thốn, nghèo khổ. Chúng ta có khả năng nhìn thấy những chúng sinh này, phải dùng tâm đại từ bi, tận lực giúp đỡ. Kinh nói “Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”, phước báu như bóng theo hình, trồng phước được phước, vì vậy phải thông hiểu đạo lý này.

“Thị đại quốc vương đẳng”

“Đẳng” ở đây như đã nói “Tể Bổ Đại Thần, Trưởng giả, Sát Lợi, Bà La Môn đẳng”, chính là người ở xã hội này, có địa vị, tiền của, năng lực, phải nên tu bố thí. Phật trong kinh thường nói, phước báu cùng chia sẻ với chúng sinh thì phước báu này sẽ lớn hơn, và được hưởng thụ mãi mãi khôn cùng tận. Tham lam bỏn xẻn, chỉ hưởng thụ cá nhân thì dù phước báu có lớn mấy cũng chỉ thọ dụng một đời này, đời sau không còn nữa. Không còn phước báu thì dù có tránh được ba đường ác, cũng chịu nghèo khổ, các căn không đầy đủ, bị đọa lạc ở cõi nhân gian. Người hiểu rõ đạo lý này, biết được chân tướng sự thật, phải nên tu phước. Phú quý, bần tiện thảy đều tu phước. Quả báo trong tương lai là bình đẳng, chỉ cần tận tâm tận lực, việc tu phước đều được viên mãn. “Thị đại quốc vương đẳng, dục bố thí thời”, bố thí mọi lúc mọi nơi, không nên gián đoạn, đặc biệt với tâm đại từ bi, thanh tịnh không phân biệt, không chấp trước, đối với tất cả chúng sinh chỉ đồng một tâm yêu thương, “nhược năng cụ đại từ bi, hạ tâm hàm tiếu, thân thủ biến bố thí”. Hạ tâm, tức khiêm nhường, tôn trọng người, không hề có chút tập khí ngạo mạn, càng không thể có thái độ ngạo mạn, gọi là “hạ tâm hàm tiếu”. “Thân thủ biến bố thí”, đích thân thực hiện, nếu nhân duyên không đủ thì khuyến tấn người khác hành bố thí với thái độ “hoặc sử nhân thí, nhuyễn ngôn úy dụ”, ôn hòa, an ủi người tiếp nhận bố thí.

/ 1