186Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

 Kỳ 95

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 02/05/2008

 Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Chư vị đồng học, mời ngồi. Hôm nay có hơn 30 câu hỏi, trước hết là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc.

Hỏi: Câu hỏi thứ nhất: Người học Phật có tranh chấp tài chính với nhau, liệu có thể kiện ra tòa không? Nếu không kiện ra tòa thì phải nên xử lý thế nào cho khéo?

Đáp: Phật-đà dạy bảo chúng ta, điều đầu tiên chính là bố thí. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa thực sự của bố thí, bố thí là buông xuống, bố thí là xả. Trong kinh giáo nói với chúng ta, nhân của tài phú chính là bố thí. Người ở trong đời này rất giàu có, là do trong đời quá khứ bố thí tài nhiều, người mà trong đời này thông minh trí tuệ, là tu bố thí pháp nhiều, người khỏe mạnh sống lâu là tu bố thí vô úy nhiều, không gì không phải là từ bố thí mà được. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì khi gặp phải tranh chấp tài chính, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề ở phương diện tài chính, hoặc là có người khuyên bạn đầu tư, hoặc là vay tiền của bạn. Khi bạn cho họ vay tiền thì bạn phải nghĩ đến việc không hy vọng họ trả lại món tiền này, thì bạn sẽ lý đắc tâm an, bạn sẽ rất vui vẻ. Họ trả lại thì rất tốt, không trả lại thì cũng tốt, phải giữ được thái độ này. Thí xả! Trong mạng ta có tiền, có tài phú thì càng xả càng nhiều, cho nên nhất định không được vì tiền bạc mà xảy ra tranh chấp. Hiện nay trong xã hội, tranh chấp tài chính là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, đệ tử Phật phải làm ra tấm gương tốt, đối với tiền tài thì phải nhìn được thấu, buông được xuống, như vậy thì được. Nhất định không kiện cáo, nhất định không đòi nợ người khác, chính mình có khó khăn đến mấy, có khổ đến mấy cũng đừng làm ra những sự việc này. Ta tin tưởng nhân quả: “khổ hết vui tới”, phía sau nhất định sẽ có tài phú lớn hiện tiền, đừng nghĩ đến những thứ này, đây là thí xả thật sự.

Hỏi: Câu thứ hai: Gặp phải trưởng bối mắc chứng mất trí nhớ ở người già, trong nhà thường hay đưa ra rất nhiều yêu cầu vô lý, lại làm ầm ĩ. Xin hỏi phận là con cháu thì phải nên giúp đỡ người già như thế nào?

Đáp: Việc này phải nhẫn nại, phải có trí tuệ, phải hiểu rõ được tình trạng bệnh tình của người già, khi cần tùy thuận thì nên tùy thuận, khi không nên tùy thuận thì có thể dùng phương pháp xí gạt. Đây không gọi là vọng ngữ, không gọi là lừa dối, đây là một loại phương thức giúp bệnh nhân có thể an ổn; nếu có thể đạt được mục đích này thì phương thức nào cũng có thể dùng, nói chung là phải giúp bệnh nhân có thể giảm bớt sự thống khổ. Phương pháp tốt nhất, nếu họ có thể tiếp nhận Phật pháp thì hãy để trong phòng bệnh của họ Phật hiệu không gián đoạn, treo ảnh Phật ở phía đối diện giường của họ, họ nằm ở đó, phía dưới chân treo một bức ảnh Phật, mắt họ vừa mở ra liền nhìn thấy. Kể cho họ nghe các câu chuyện về niệm Phật, niệm Phật được khỏi bệnh, niệm Phật được vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc làm Bồ-tát, làm Phật, kể cho họ nghe những câu chuyện này. Người xưa niệm Phật vãng sanh, hiện nay có rất nhiều người niệm Phật vãng sanh, cứ như vậy mà khuyên bảo họ, như vậy là được.

Hỏi: Tình trạng như vậy thì liệu có liên quan gì đến nghiệp sát quá nặng khi còn trẻ không, hay là bị sự ô nhiễm của xã hội quá nhiều?

Đáp: Đúng là như vậy, đây là nói ra được nguyên nhân gây bệnh thực sự. Cho nên khi gặp phải người thân trong nhà có bệnh, xác thực là không được tạo nghiệp sát nữa, đương nhiên tốt nhất là ăn chay, đừng ăn thịt nữa. Niệm Phật, nghe kinh, trong nhà thì kể cho người già một số câu chuyện về hiếu, đễ, trung, tín, người già đều sẽ tiếp nhận.

Hỏi: Câu hỏi tiếp theo: Học Phật tinh tấn nhưng vẫn bị tai họa đột ngột mà chết, liệu có thuộc về oan gia trái chủ đòi nợ không? Tiếp theo họ có hai vấn đề. Làm sao biết được tai họa đột ngột là thuộc về nghiệp nặng báo nhẹ? Hay là do học Phật làm thiện không như pháp, không thể cải tạo vận mệnh mà gây ra?

Đáp: Bạn muốn biết những việc thế này, bình thường phải đọc kinh nhiều, nghe kinh nhiều, hiểu rõ lý rồi, khi gặp việc thì lập tức có thể thông tỏ, có thể thông đạt tỏ tường. Ngoài điều này ra, trong thời đại hiện nay, bất luận là ở Trung Quốc hay ở nước ngoài, có rất nhiều nhà ngoại cảm, đúng là có nhà ngoại cảm truyền đến những tin tức này. Việc này phải dè chừng, phải rất cẩn thận. Vì sao vậy? Trong giới ngoại cảm thì có thiện, cũng có bất thiện. Người bất thiện, họ nghe nói bạn tin tưởng quỷ thần, họ sẽ lừa gạt bạn, họ dẫn dụ bạn đi theo tà đạo, sự việc này là thường có, không thể không dè chừng. Nhưng những gì nhà ngoại cảm đưa ra, người học Phật chân chánh chúng ta phải giữ một tâm cảm ân, họ nhắc nhở chúng ta; phương pháp giải quyết vấn đề, nhất định là nương vào kinh giáo, vậy thì nhất định không sai. Ví dụ họ hy vọng chúng ta dùng tâm chân thành để sám hối hồi hướng, chúng ta phải dùng tiêu chuẩn trong nhà Phật. Tâm chân thành trong nhà Phật là gì? Buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước. Chúng tôi thường nói, bạn có thể buông xuống hết thảy chấp trước đối với thế xuất thế gian, không tính toán với người nữa, vậy thì thật sự vào cửa Phật rồi, đây là tâm chân thành, đạt đến mục tiêu sau cùng, đó là chứng quả A-la-hán, ở trong kinh Hoa Nghiêm là Bồ-tát Thất tín vị; lại có thể buông xuống được phân biệt, không những không chấp trước mà còn không còn phân biệt nữa, đó chính là pháp giới Bồ-tát, pháp giới Phật trong tứ thánh pháp giới; lại có thể làm được không khởi tâm, không động niệm thì tâm Bồ-đề sẽ hiện tiền, chân tâm hiện tiền. Đứng đầu trong tâm Bồ-đề là chân thành, bạn sẽ hiểu được, không chấp trước thì được ít phần chân thành; không phân biệt thì nhiều phần chân thành; không khởi tâm không động niệm là chân thành viên mãn. Cho nên Phật có tiêu chuẩn, người thế gian chúng ta không có tiêu chuẩn. Chính mình cho là chân thành, điều đó không được, đó vẫn là ở trong vọng tưởng, vẫn là ở trong vô minh, phải dùng Phật pháp để giải quyết vấn đề, đó là nói về tâm chân thành.